Hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.
Nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến (Ảnh minh họa)
Cũng từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn... gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh chỉ ra, những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính
Đáng lo ngại nhất lá các sản phẩm trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như: Sản phẩm chăm sóc sức khỏe, một số thực phẩm chức năng, thuốc bổ, hoặc các sản phẩm chữa bệnh quảng cáo là "cải thiện sức khỏe toàn diện" hoặc "công dụng thần kỳ", nhưng thực tế không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho các lời khẳng định này.
Hoặc nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn hoặc nước uống quảng cáo là "chứa ít calo", "giảm mỡ", "chứa chất xơ cao", trong khi trên thực tế, các sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, chất bảo quản hoặc thành phần không tốt cho sức khỏe.
Hay các sản phẩm giảm cân, làm đẹp, thực phẩm chức năng, kem dưỡng da hoặc thuốc giảm mỡ quảng cáo là "giảm cân nhanh chóng mà không cần tập luyện" hoặc "làm đẹp tức thì", nhưng thực tế hiệu quả của chúng không được chứng minh rõ ràng, hoặc có thể gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, các dịch vụ tài chính như vay tiền, thẻ tín dụng, tín dụng đen, bảo hiểm… có thể quảng cáo các điều kiện rất hấp dẫn như "vay tiền không lãi suất", "hưởng lãi suất 0%", nhưng thực tế có thể ẩn chứa nhiều khoản phí khác hoặc các điều kiện rất phức tạp mà người tiêu dùng không dễ dàng nhận ra….
Còn rất nhiều quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo thông tin chính sách với chất lượng không đúng như dịch vụ đào tạo các khóa học trực tuyến, dịch vụ làm giấy tờ xe, giấy tờ bằng cấp giả...
Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho biết, quảng cáo trực tuyến thường thiếu thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây hiểu lầm hoặc lừa đảo người tiêu dùng.
Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023 hàng trăm vụ khiếu nại có liên quan đến việc mua hàng qua quảng cáo trực tuyến nhưng sản phẩm không đúng như mô tả đã được ghi nhận. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo không có sự đồng ý của người tiêu dùng đang là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm quyền riêng tư.
Nhiều nội dung quảng cáo đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023.
Thực trạng trên cho thấy, "dẹp loạn" quảng cáo sai sự thật đang là "cuộc chiến" nhức nhối trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, môi trường kinh doanh, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Nhiều kiến nghị đã được ra nhằm góp phần xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, công bằng, hiện đại, thúc đẩy ngành quảng cáo Việt Nam phát triển bền vững như quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị. Quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng.
Đồng thời, thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo; nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại các nước EU hoặc là Mỹ; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe...
Các chuyên gia cũng đề nghị thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường phối hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Xây dựng quy trình thống nhất để xử lý các vụ việc liên quan đến quảng cáo trực tuyến, tránh chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan.
Đặc biệt, cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế theo quy định; áp dụng cơ chế phối hợp quốc tế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Thực tế, thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok. Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023 thì các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%.
Các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế một cách hiệu quả. Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia.
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài.
Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến nội dung quảng cáo trên không gian mạng,
Còn nhớ tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trước câu hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm hết trách nhiệm chưa về việc ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bảo vệ không gian của mình trên không gian mạng là trách nhiệm của mỗi người, trách nhiệm của mọi nhà, của toàn bộ hệ thống chính trị.
Quỳnh Nga