Báo động vi phạm
Ngày 4/11, mạng xã hội xôn xao về đoạn video ghi lại hình ảnh xe khách BKS 37H-081.26 liên tục chèn ép, không cho xe khách phía sau vượt lên dù nhiều lần tài xế xe phía sau ra tín hiệu xin vượt. Sự việc khiến nhiều người bức xúc.
Hình ảnh xe khách chèn ép ô tô tải vào làn khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai do camera hành trình một xe đi phía sau ghi lại.
Trước đó, ngày 1/11, Công an huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bắt giữ Đồng Khắc Mạnh Cường (SN 1987, trú tại Hà Nội) để điều tra về tội gây rối trật tự công cộng. Ngày 19/10, Cường điều khiển xe khách BKS 29G-013.02 cố tình vượt ngang, chèn ép xe tải BKS 99C-273.91 khiến xe này phải đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chèn ép nhau trên đường xảy ra trong năm 2024, báo động ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT, đạo đức của một bộ phận tài xế.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình trạng ô tô đánh võng, lạng lách, chèn ép nhau trên đường, đặc biệt trên các tuyến cao tốc tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
"Đây là vấn đề đạo đức trong kinh doanh vận tải, do đó cần được xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe", ông Tạo nói.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, thực trạng trên chủ yếu xảy ra với các nhà xe hoạt động manh mún, kinh doanh chộp giật, bất chấp pháp luật.
Nguyên nhân trước hết là do vẫn tồn tại các điểm bán vé, tập kết khách trái phép của các nhà xe tuyến cố định. Đó là các trạm dừng nghỉ, các quán nước ven đường. Cánh tài xế mặc định ở các điểm này đang có hành khách chờ và tất yếu xảy ra tình trạng tranh giành để đến điểm đón khách.
Bổ sung chế tài
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo quy định hiện hành, hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi chèn ép nhau trên đường sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng.
Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức phạt tiền, bổ sung chế tài trừ 10 điểm giấy phép lái xe đối với tài xế vi phạm hành vi trên thay vì tước giấy phép lái xe 3 tháng
TS Khương Kim Tạo cho rằng, việc bổ sung chế tài trừ điểm là cần thiết, giúp nâng cao ý thức chấp hành của tài xế. Đồng thời, theo quy định của Luật Trật tự ATGT đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025), tài xế sẽ phải kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về ATGT do lực lượng CSGT tổ chức, đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.
Cũng theo ông Tạo, bên cạnh siết chế tài, cần ứng dụng công nghệ để có thể xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc bị xử lý vừa qua là nhờ người dân cung cấp hình ảnh hoặc phản ánh trên mạng xã hội. Mặt khác, các đơn vị vận tải cần xây dựng quy chế và có chế tài xử lý riêng đối với tài xế vi phạm, ứng dụng triệt để công nghệ trong giám sát lái xe.
Siết trách nhiệm của doanh nghiệp
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Hiện nay, theo quy định, tất cả xe kinh doanh vận tải đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình, xe khách trên 9 chỗ phải lắp cả camera giám sát lái xe và kịp thời xử lý, nhắc nhở nếu lái xe vi phạm.
"Nếu doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định trên, không khó phát hiện tài xế đón khách dọc đường hay có hành vi lạng lách, đánh võng, chèn ép xe khác. Từ đó có chế tài xử lý nghiêm, đảm bảo quản lý chặt chẽ tài xế, ngăn rủi ro cho hành khách và cho chính doanh nghiệp đó", ông Hùng nói.
Theo ông, camera lắp trên xe kinh doanh vận tải không chỉ là "mắt thần" của doanh nghiệp mà còn của cả cơ quan quản lý. Vì thế, cần đầu tư xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT, tăng cường ứng dụng công nghệ để tự động cảnh báo vi phạm. Từ đó, trích xuất thông tin và gửi thông báo cho chủ sở hữu, doanh nghiệp phối hợp xử lý vi phạm.
"Thường chỉ đến khi có tai nạn xảy ra mới truy xuất dữ liệu tìm nguyên nhân. Điều này cần phải thay đổi. Để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định cần phải thường xuyên kiểm tra, cả đột xuất lẫn định kỳ", ông Hùng nói.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, với hành vi lạng lách, đánh võng, chèn ép xe trên đường, nếu mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, mức phạt tối đa có thể lên đến 7 năm tù. Thực tế, đã có những trường hợp tài xế chèn ép nhau trên đường bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý hình sự, kết hợp tuyên truyền sẽ là bài học nghiêm khắc cho những lái xe khác.
Yến Chi