Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Số liệu từ VITAS, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Theo VITAS, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến quý I/2024 và đang đàm phám cho quý II/2024.
Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%...
Chia sẻ tại họp báo về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2024 mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, năm 2024, tăng trưởng quy mô toàn cầu đối với ngành dệt may không có sự chuyển biến, tăng trưởng rõ nét.
Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng là nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng. Nhiều thị trường xuất khẩu mới nổi như Trung Đông, châu Phi đã được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận để mở rộng thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc thiết bị và sản phẩm, thực hiện những đơn hàng tuy nhỏ nhưng có tính kỹ thuật cao.
“Các khách hàng ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội cũng như thời gian giao hàng. Đây là những yêu cầu mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thích ứng và không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan cũng rất lớn khi 10 tháng đầu năm 2024, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của ngành dệt may có 10 doanh nghiệp Việt và 20 doanh nghiệp FDI đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu”, ông Giang chia sẻ.
Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Chủ tịch VITAS cho biết, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Ngành sợi chưa có sự tăng trưởng hay đột phá về đơn hàng, nhưng với ngành may lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn năm 2024. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng quý đến quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng quý II/2025.
“Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực, tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững”, ông Giang khẳng định.
Theo ông Vũ Đức Giang, Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội dệt may Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 13-14/12 tại Quảng Nam với khoảng 500 khách mời. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, lãnh đạo ngành dệt may và Vitas qua các thời kỳ, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành hàng trong nước, lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên… Đây là dịp để thế hệ những con người làm dệt may gặp gỡ và nhìn lại chặng đường phát triển của ngành trong suốt 25 năm.
Trong 25 năm qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… để mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF; kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…
Hoài Sương