Dệt may Phong Phú đã hoàn thành 107% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Dệt may Phong Phú, mã cổ phiếu PPH - sàn UPCoM) vừa cho biết, ước tính doanh thu năm 2024 đạt 2.550 tỷ đồng và lãi trước thuế ước đạt 352 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 10% so với năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Dệt may Phong Phú.
Năm 2024, Dệt may Phong Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 330 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh ước tính như trên, tổng công ty này có thể hoàn thành được 98% chỉ tiêu doanh thu và 107% chỉ tiêu lãi cả năm nay.
Về định hướng trong năm 2025, bà Trương Thị Ngọc Phương - Giám đốc điều hành Dệt may Phong Phú cho biết, tổng công ty sẽ đẩy mạnh tự động hóa, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và tối ưu hóa chi phí. Qua đó, tổng công ty kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 2.600 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 355 tỷ đồng, tương đương so với với kế hoạch năm 2024.
Dệt may Phong Phú được thành lập từ năm 1964 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1966, tiền thân là Khu Kỹ nghệ Sicovina - Phong Phú, trực thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) hiện sở hữu hơn 50% vốn điều lệ tại tổng công ty này.
Theo đánh giá của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, Dệt may Phong Phú là một trong những đơn vị trực thuộc dẫn đầu về giá trị lợi nhuận trong 5 năm liên tiếp.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PPH của Dệt may Phong Phú từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Hiện một số tổ chức tài chính dự báo hoạt động kinh doanh của Dệt may Phong Phú có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh ngành Dệt may Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
Dữ liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Trong đó, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ làn sóng chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh...
Đồng thời, việc các doanh nghiệp dệt may Việt nam chủ động tiếp cận sang các thị trường mới nổi như Trung Đông hay châu Phi cũng chính là yếu tố quan trọng đã thúc đẩy tăng trưởng ngành Dệt may toàn quốc trong năm 2024.
Năm 2025, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Duy Quang