Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của Hòa Phát ghi nhận sự quan tâm kỷ lục từ giới đầu tư với 1.046 cổ đông tham dự (trực tiếp và ủy quyền), đại diện cho 64,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát hiện có 194.000 cổ đông, con số lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết quả quý I tích cực, kế hoạch 2025 tham vọng
Báo cáo tại đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, quý I/2025, Hòa Phát đạt doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở đó và việc dự án Dung Quất 2 giai đoạn 1 sắp đi vào hoạt động, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng (tăng 21% so với thực hiện 2024) và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng (tăng 25%). Đây là mức kế hoạch cao hơn đáng kể so với con số ban đầu (150.000 tỷ doanh thu và 10.000 tỷ lợi nhuận). Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử và lợi nhuận cao thứ hai của Tập đoàn.
Ông Long thừa nhận bối cảnh kinh tế thế giới còn phức tạp, đặc biệt là các biến động về chính sách thuế quan, nhưng khẳng định Hòa Phát đang ở "trạng thái phòng thủ tốt", hoạt động bài bản và cẩn trọng. "Chúng tôi luôn đề cao sự thận trọng và đề phòng khả năng xấu. Tuy nhiên, cần có cái nhìn tích cực, vừa cẩn trọng vừa hướng đến phát triển bền vững," ông Long nhấn mạnh.
Đầu tư lớn vào thép đường ray, đón sóng hạ tầng
Một trong những thông tin đầu tư đáng chú ý nhất được công bố là quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thép đường ray tại Khu liên hợp Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hòa Phát, quyết định này xuất phát từ đề nghị của Chính phủ tại cuộc họp tháng 9/2024, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án hạ tầng đường sắt trọng điểm quốc gia, bao gồm cả đường sắt cao tốc Bắc - Nam. "Đây là dự án mới, rất khó vì thép ray là loại thép chất lượng cao chưa từng sản xuất tại Việt Nam. Nhưng với quyết tâm, chúng tôi tin tưởng sẽ sản xuất thành công," ông Long khẳng định.
Hòa Phát cam kết có thể cung cấp tất cả các loại thép cho phần nền đường sắt. Tập đoàn cũng đã bổ sung ngành nghề "xây dựng công trình đường sắt" vào đăng ký kinh doanh. Hiện Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ Nghị định về việc giao nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho doanh nghiệp trong nước, tạo cơ sở pháp lý và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (tổng vốn 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm) đang được triển khai đúng tiến độ, chạy thử phân kỳ 1 trong quý I/2025 và dự kiến hoàn thiện lò cao số 2 trong quý IV/2025. Ông Long cho biết, sản phẩm HRC từ dự án mới hiện vẫn tiêu thụ tốt, bất chấp lo ngại về thép nhập khẩu. Các biện pháp phòng vệ thương mại, như thuế chống bán phá giá tạm thời đối với HRC Trung Quốc, cũng đang hỗ trợ thị trường nội địa.
Chính sách cổ tức và các định hướng khác
Về cổ tức năm 2024, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua tỷ lệ 15%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Ông Long chia sẻ, việc duy trì chia cổ tức trong bối cảnh cần nguồn vốn lớn cho đầu tư và các biến động thị trường là nỗ lực đáng ghi nhận. Tập đoàn cam kết sẽ quay lại mức cổ tức như truyền thống vào năm 2026-2027 nếu điều kiện kinh doanh thuận lợi.
Trả lời cổ đông, ông Long cũng bác bỏ tin đồn dừng dự án tại Văn Yên, khẳng định mọi việc diễn ra bình thường. Mảng bất động sản, bao gồm cả nhà ở xã hội (đang thí điểm thành công tại Hưng Yên), sẽ tiếp tục được triển khai nhưng duy trì tỷ trọng khoảng 5-7% trong cơ cấu Tập đoàn.
Nhìn về dài hạn, Hòa Phát đang nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn tại Phú Yên, bao gồm KCN Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc và Khu liên hợp gang thép với tổng vốn đăng ký lên đến gần 5 tỷ USD, mở ra không gian tăng trưởng mới cho Tập đoàn.
Năm 2024, Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu 140.561 tỷ đồng (+17%) và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng (+77%), vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Khánh Ly