Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi Điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP.HCM.
Sáng nay (28/11), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Hà Nội.
Tại Đại hội, HĐQT Eximbank đã trình ĐHĐCĐ một số nội dung quan trọng như: Kế hoạch dời trụ sở chính từ Tòa nhà Vincom Center, số 7 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM ra 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội;
Sửa đổi điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi trụ sở chính; Chấm dứt đầu tư Trụ sở chính tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Xin ý kiến cổ đông đối với kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát Eximbank đối với ông Ngô Tony; miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam.
Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank
Vì sao HĐQT Eximbank muốn chuyển trụ sở?
Trả lời thắc mắc của cổ đông về tờ trình chuyển đổi trụ sở, ông Nguyễn Hoàng Hải – Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết 2024 là năm thứ 35 của Eximbank tại khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Ngân hàng dù đã tạo dựng nền tảng khách hàng, song về số lượng lại không tăng thêm trong 10 năm qua.
"Eximbank là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, không phải miền Nam hay TP.HCM, nên chúng tôi muốn đưa thương hiệu ngân hàng ra toàn quốc" – ông nói.
Theo ông, Ban điều hành mong muốn ngân hàng sẽ phát triển mạnh hơn ở khu vực phía Bắc ở các lĩnh vực như logistics, hạ tầng, dịch vụ các khu công nghiệp. Hiện các chi nhánh kinh doanh ở miền Bắc đóng góp 13% tỷ trọng lợi nhuận toàn hệ thống là con số thấp và không xứng đáng với tiềm năng phát triển khu vực miền Bắc.
Ông Hải khẳng định việc đổi trụ sở hoàn toàn vì lợi ích của ngân hàng, tuân thủ quy định pháp luật, không dựa trên lợi ích của một nhóm cổ đông lớn, mà để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của Eximbank.
Người bị miễn nhiệm nói gì?
Tại ĐHĐCĐ, 3 nhân sự bị đề xuất miễn nhiệm cũng đồng loạt lên tiếng cho biết bị bất ngờ trước đề xuất bãi nhiệm từ nhóm cổ đông nắm 5% cổ phần.
Thành viên HĐQT Nguyễn Hồ Nam cho hay, ở 2 cuộc họp vắng mặt, ông đã ủy quyền cho bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia và giải trình với HĐQT Eximbank.
Nhà sáng lập Bamboo Capital khẳng định mình là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% cổ phần Eximbank, khi tham gia HĐQT Eximbank, luôn hợp tác, xây dựng ngân hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
“Việc dùng lý do 36/38 lần tham dự để bãi nhiệm tôi rất khiên cưỡng, vi phạm Luật Tổ chức tín dụng", ông Nam nói và cho rằng việc trù dập, loại bỏ những người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT sẽ là một tiền lệ rất nguy hiểm.
Tương tự, bà Lương Thị Cẩm Tú cũng khẳng định xét theo Luật Tổ chức tín dụng, bà không thuộc diện bị xem xét miễn nhiệm.
Bà Tú cho biết bà tham dự đầy đủ cuộc họp và không vắng mặt liên tục 6 tháng theo quy định. Khi nghỉ (4 cuộc họp vắng mặt) là do đi công tác nước ngoài, đã báo cáo HĐQT và ủy quyền cho người khác tham gia.
Bà Tú cũng cho biết, bà là cổ đông sở hữu cá nhân trên 1% và cũng đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% tham gia Eximbank từ 2018 đến nay. Hiện tại, bà đang là Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro Ngân hàng.
Bà cũng nói việc một số thành viên HĐQT trì hoãn ra quyết định trong vấn đề kiểm soát rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch và hoạt động của ngân hàng.
Đối với ông Ngo Tony, ông này cho biết bản thân đã cùng các thành viên trong Ban Kiểm soát phát hiện hơn 2.200 rủi ro của nhà băng, trong đó có 2/3 là rủi ro cao và rất cao. Ông cũng khẳng định đưa ra 8.240 lần kiến nghị giúp bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo ông, Eximbank đối mặt 3 vấn đề lớn. Một là chất lượng tài sản giảm sút, thể hiện qua nợ xấu, nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn. Thứ hai là cấp tín dụng mới "có một số việc cần phải bàn". Cuối cùng là gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao.
Ông khẳng định đã nhiều lần đề cập với Ban điều hành, HĐQT nhưng chưa thấy "có hành động nghiêm túc khắc phục". Do đó, ông có thư kiến nghị gửi đến cơ quan thanh tra, mong xác minh dấu hiệu rủi ro.
“Tôi muốn hỏi căn cứ nào xác minh tôi lạm dụng chức quyền gây ảnh hưởng nặng nề đến Eximbank? Căn cứ đó có kết luận của cơ quan chức năng trước khi đưa vào nội dung miễn nhiệm tôi hay không?", Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank đặt câu hỏi.
Nêu cơ sở pháp lý đưa tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát nêu trên, Chủ tịch HĐQT Eximbank Nguyễn Cảnh Anh cho rằng: Căn cứ Luật TCTD, quy chế nội bộ Eximbank, cổ đông nắm trên 5% có quyền đưa kiến nghị vào chương trình họp trước 3 ngày làm việc.
Đối với các kiến nghị trên đã đều được lập thành văn bản, gửi trước ít nhất 3 ngày. Do đó, HĐQT đã đưa nội dung trên vào chương trình họp bất thường.
“Nếu HĐQT không đưa kiến nghị đã đáp ứng điều kiện vào họp là vi phạm pháp luật. ĐHĐCĐ mới có thẩm quyền miễn nhiệm hay không các nhân sự có liên quan. Khi đã nghe chia sẻ, ý kiến từ các bên, đề nghị cổ đông cẩn trọng, đưa ra biểu quyết” – ông Nguyễn Cảnh Anh nói.
Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm 3 nhân sự cấp cao
Đến 13h cùng ngày, sau khi tổng hợp kết quả biểu quyết, ĐHĐCĐ Eximbank đã thông qua tờ trình về việc thay đổi địa điểm Trụ sở chính với 1.016 triệu cổ phiếu, tương ứng 58,73% cổ đông tán thành; 713 triệu cổ phiếu hay 41,23% phản đối.
Tuy nhiên, hai tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi địa điểm đặt Trụ sở chính và chấm dứt chủ trương đầu tư Trụ sở chính Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm lại không được thông qua. Tỷ lệ tán thành của cả hai tờ trình đều là 58,73% và phản đối là 41,23%.
Do là vấn đề quan trọng, hai nội dung này cần được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua. Những tờ trình còn lại chỉ cần trên 51% tổng số tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua.
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 40,74% (tương ứng 705 triệu cổ phiếu). Ngoài ra, có 5,36% cổ đông (tương ứng 93 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 41,23% (tương ứng 713 triệu cp). Ngoài ra, có 4,87% cổ đông (tương ứng 84 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.
Do chỉ cần trên 51% cổ đông chấp thuận, tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được thông qua.
Nhật Linh