ĐHĐCĐ bất thường PGBank: Dự kiến mua lại công ty chứng khoán và bảo hiểm, mục tiêu lãi nghìn tỷ ngay từ năm nay

ĐHĐCĐ bất thường PGBank: Dự kiến mua lại công ty chứng khoán và bảo hiểm, mục tiêu lãi nghìn tỷ ngay từ năm nay
8 giờ trướcBài gốc
ĐHĐCĐ bất thường 2025. (Ảnh: LP)
Kế hoạch mua lại công ty chứng khoán, bảo hiểm
ĐHĐCĐ bất thường PGBank bổ sung tờ trình về việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức để tổ chức đó trở thành công ty con, công ty liên kết của PGBank.
Cụ thể, HĐQT PGBank trình cổ đông thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để thành lập mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước ở các lĩnh vực gồm: bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; Bảo hiểm.
Các loại hình doanh nghiệp mà PGBank nhắm tới có thể là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm. Giá trị giao dịch, góp vốn dự kiến từ 20% vốn điều lệ trở lên hoặc một mức phù hợp khác theo quy định của pháp luật, miễn sao đảm bảo đơn vị được đầu tư trở thành công ty con hoặc công ty liên kết của ngân hàng. Nguồn tiền góp vốn/mua cổ phần là từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ, đạt lợi nhuận nghìn tỷ ngay từ năm nay
PGBank cũng trình đại hội thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.000 tỷ đồng qua hai hình thức là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến chào bán thêm 450 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10:9 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua; 10 quyền mua sẽ được mua 9 cổ phiếu mới). Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỉ lệ 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm). Nguồn phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối căn cứ trên báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán của PGBank sau khi hoàn tất các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ theo quy định.
Tổng cộng 500 triệu cổ phiếu PGB dự kiến được phát hành theo 2 phương án trên không bị hạn chế chuyển nhượng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán thêm cổ phiếu là 5.000 tỷ đồng. Số vốn này được sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong khoảng thời gian 2025-2028.
Sau phát hành, vốn điều lệ của PGBank dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng, lên 10.000 tỷ đồng.
PGBank cũng dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025 – 2028 sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 đã được tăng từ mức 716 tỷ đồng trước đó lên 1.001 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2026 dự kiến là 1.306 tỷ đồng, 2027 là 1.628 tỷ đồng và 2028 là 2.168 tỷ đồng.
Kiện toàn HĐQT, bầu nhân sự từ Tập đoàn Thành Công vào Ban kiểm soát
ĐHĐCĐ bất thường của PGBank cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập và một thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025–2030.
Theo danh sách ứng viên được công bố, người dự kiến được bầu làm thành viên độc lập HĐQT PGBank là ông Bùi Vương Anh. Ông Vương Anh sinh năm 1974, là cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời có 24 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, lãnh sự và bảo hộ công dân, tài chính, kế toán. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại châu Âu. Hiện ông đang là Phó Chánh Văn phòng Ban Điều hành tập đoàn.
Bà Chu Thị Hường là ứng viên duy nhất vào Ban Kiểm soát. Bà Hường sinh năm 1979, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, từng giữ vai trò Trưởng Kiểm toán nội bộ ABBank, Trưởng Ban Kiểm soát CTCK An Bình và hiện là Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ tại Tập đoàn Thành Công.
Thảo luận:
Cổ đông: Xin chủ tọa cho biết thêm về chủ trương đầu tư thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết.
Chủ tịch PGBank bà Cao Thị Thúy Nga: Đây không chỉ là định hướng riêng của ngân hàng mà còn là xu hướng chung trong ngành tài chính – ngân hàng hiện nay.
Đối với PGBank, chiến lược này nhằm hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng với các sản phẩm tài chính có liên kết chặt chẽ với hoạt động ngân hàng truyền thống. Ngân hàng đặt mục tiêu phục vụ nhóm khách hàng có dòng tài sản ổn định, hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, đặc biệt trong mảng quản lý tài sản cá nhân.
Việc đầu tư sang lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán không chỉ nhằm mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ, mà còn giúp đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng.
Trong bối cảnh ngân hàng không được phép đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán, thì việc sở hữu công ty con hoặc công ty liên kết trong lĩnh vực tài chính – công nghệ tài chính là một giải pháp chiến lược để tối ưu hóa lợi nhuận.
PGBank đặt ra các tiêu chí rõ ràng đối với các công ty mục tiêu, bao gồm: uy tín thương hiệu, năng lực tài chính, nền tảng quản trị rủi ro tốt, mạng lưới khách hàng ổn định và hiệu quả kinh doanh đáp ứng các chỉ tiêu như ROE, ROA kỳ vọng.
Bà Nga cũng cho biết PGBank cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về hệ số an toàn vốn, năng lực tài chính, quản trị điều hành cũng như chuẩn mực đầu tư.
Quản trị các công ty con là lĩnh vực phức tạp, vì vậy, song song với việc tìm kiếm đối tác phù hợp, ngân hàng cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản trị nội bộ và đầu tư cho hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư bền vững.
"Chúng tôi sẽ từng bước hoàn thiện mình trước, sau đó là nâng cao cái năng lực quản trị của mình, đáp ứng điều kiện của ngân hàng nhà nước và chúng tôi sẽ tiếp cận nghiên cứu các đối tượng mục tiêu như trong tờ trình đã đề ra", bà Nga cho hay.
Cổ đông: Ban lãnh đạo có thể chia sẻ thêm về cái tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngân hàng, phương án tăng vốn điều lệ.
Tổng giám đốc PGBank Ông Nguyễn Văn Hương: Liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ, sau khi ĐHĐCĐ thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và 4.500 tỷ từ chào bán cho cổ đông hiện hữu, PGBank sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết như xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Dựa trên kinh nghiệm triển khai đợt tăng vốn từ 4.200 tỷ lên 5.000 tỷ đồng vừa qua, ngân hàng nhận thấy khâu quan trọng nhất là việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định. Nếu công tác này được thực hiện tốt, khả năng hoàn tất việc tăng vốn trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
Về các định hướng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc PGBank cho hay ngân hàng sẽ tập trung thực hiện một số định hướng lớn bao gồm tiếp tục đẩy mạnh các mảng có hiệu quả cao, đặc biệt là thu nhập ngoài lãi – hiện đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ và sẽ còn là động lực chính trong thời gian tới.
Thứ hai, khai thác hiệu quả tổng tài sản đang tăng mạnh, đặc biệt là thông qua cho vay hiệu quả, kiểm soát giá vốn đầu vào và tối ưu biên lãi ròng (NIM).
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh bằng cách nâng cao thẩm định và quản lý sau giải ngân. Việc Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi về tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong xử lý nợ xấu từ nay đến cuối năm.
Ông Hương cũng thông tin, ngân hàng chuẩn bị đưa hệ thống core-banking mới vào vận hành (go-live dự kiến vào tháng 9), đồng thời triển khai các chương trình bán hàng trên toàn quốc – đây là những yếu tố sẽ giúp tăng quy mô, mở rộng khách hàng, và tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình.
Doanh Doanh
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/dhdcd-bat-thuong-pgbank-du-kien-mua-lai-cong-ty-chung-khoan-va-bao-hiem-muc-tieu-lai-nghin-ty-ngay-tu-nam-nay.html