ĐHĐCĐ MB: Đã dự trù trước những thách thức, kế hoạch tăng thêm 1.000 nhân sự trong năm nay

ĐHĐCĐ MB: Đã dự trù trước những thách thức, kế hoạch tăng thêm 1.000 nhân sự trong năm nay
8 giờ trướcBài gốc
Kế hoạch kinh doanh 2025 đã dự trù trước những thách thức
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã MBB) là tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Về vấn đề này, ngay từ đầu Đại hội, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái đã nhận định môi trường kinh doanh năm nay sẽ có nhiều thách thức.
Cụ thể, về tình hình thế giới, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng quanh mức 3,3%. Lạm phát kỳ vọng giảm. Trong khi đó căng thẳng địa chính trị và căng thẳng thương mại tăng cao. Chi phí tài chính toàn cầu đan ở mức cao do lãi suất đồng USD giảm chậm hơn dự kiến, ông Thái phân tích.
Về tình hình trong nước, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và hiện vẫn kiên định mục tiêu này. Với mục tiêu như vậy, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và đặc biệt tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo các định hướng của Chính phủ.
Năm nay, HĐQT ngân hàng MB đặt mục tiêu nâng tổng tài sản ngân hàng lên 21,2% so với cuối năm 2024. Huy động vốn kỳ vọng tăng trưởng 23,3%. Tín dụng dự kiến tăng xấp xỉ 23,7%, tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10% so với năm trước, tương đương đạt khoảng hơn 31.700 tỷ đồng (so với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 là 28.829 tỷ đồng).
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái tại ĐHĐCĐ thường niên MB 2025. Ảnh: MB
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông rằng liệu kếhoạch kinh doanh năm nay đã dự trù tình huống khó khăn hay chưa, Chủ tịch Lưu Trung Thái khẳng định ban lãnh đạo ngân hàng đã có dự trù cơ bản cho tình huống này.
"Quy mô tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến 24 - 25% dựa trên dự kiến chỉ tiêu phân bổ 16% của NHNN từ đầu năm. Ngoài ra chúng tôi cũng kiểm soát tỷ lệ tăng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận hợp lý trong năm nay, với mục tiêu doanh thu tăng 20 - 25% và lợi nhuận tăng 10%. Kể cả áp lực tăng nợ xấu do nhiều nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách thuế quan", ông Thái cho hay.
Thông tin thêm, ông Thái cho hay tính đến thời điểm cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của toàn tập đoàn là 1,63%, riêng ngân hàng là 1,35%. Nếu so với các năm trước đó thì tỷ lệ nợ xấu có nhích nhẹ, tuy nhiên so với toàn ngành thì tỷ lệ nợ xấu của MB vẫn thuộc nhóm thấp. "Tỷ lệ NPL toàn ngành là 2,8%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm là xu hướng chung của hầu hết các ngân hàng trong năm qua", lãnh đạo MB cho hay.
Về việc dự phòng rủi ro tăng nhưng tỷ lệ bao phủ có xu hướng giảm rõ rệt, ông Thái trả lời cổ đông rằng ngân hàng đã ghi nhận rủi ro sớm, tăng chi phí dự phòng để quản trị rủi ro tốt hơn. "Năm nay MB có kế hoạch tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%", Chủ tịch MB nói thêm.
Mua cổ phiếu quỹ là công cụ ổn định thanh khoản, tạo niềm tin cho NĐT trong giai đoạn biến động
ĐHĐCĐ MB năm nay trình cổ đông thông qua 2 tờ trình quan trọng.
Một là kế hoạch chia cổ tức, HĐQT dự kiến sẽ phân bổ 21.556 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 35%. Theo đó, ngân hàng dự kiến dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%. Đồng thời, dành 19.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp tăng vốn điều lệ.
Cụ thể phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị phát hành dự kiến gần 19.726 tỷ đồng, nguồn từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2024. Việc phát hành sẽ được thực hiện trong năm 2025 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận. Sau khi hoàn tất kế hoạch phát hành này, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên hơn 80.700 tỷ đồng.
Hai là phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 1,6% vốn điều lệ MB làm cổ phiếu quỹ. Mục đích mua lại là nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng. Phương án mua cổ phiếu quỹ dự kiến sẽ làm vốn điều lệ của MB giảm tối đa 1.000 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông rằng liệu MB có kế hoạch tăng vốn hóa để xứng đáng với nội tại ngân hàng, chẳng hạn hướng tới mục tiêu vốn hóa 20-25 tỷ USD hay không, Chủ tịch MB cho biết ngân hàng đang có giá trị vốn hóa hơn 6 tỷ USD và mục tiêu gần nhất là đạt vốn hóa 10 tỷ USD.
Theo lãnh đạo ngân hàng, HĐQT sẽ có kế hoạch từng bước, rõ ràng. Nếu duy trì được chất lượng hoạt động và hiệu quả hoạt động, mỗi năm tăng trưởng kinh doanh 22-23% và đẩy mạnh tăng trưởng quy mô vốn thì giá trị nội tại của ngân hàng sẽ tăng.
"Chỉ cần dừng chia cổ tức khoảng 3 năm thì giá cổ phiếu MBB sẽ tăng gấp ba hoặc ít nhất là gấp đôi," ông Lưu Trung Thái tự tin khẳng định.
Liên quan đến thắc mắc của cổ đông rằng tại sao vừa tăng vốn, đồng thời lại đề nghị mua cổ phiếu quỹ làm giảm vốn, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho hay phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu là sự dự trù trong tình huống xấu, chẳng hạn như giai đoạn thị trường vừa trải qua khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng.
"Mua lại cổ phiếu quỹ là một biện pháp, một công cụ hỗ trợ cho thị trường, giúp ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn biến động. Đây là việc mà chúng ta đã từng làm trong quá khứ và đã rất thành công", ông Thái cho hay.
Chuyển đổi số không nhằm mục đích cắt giảm lao động, có kế hoạch tăng thêm 1.000 nhân sự
Về trọng tâm chuyển đổi số, Chủ tịch MB cho biết, ngân hàng đang tập trung cho 2 vấn đề.
Thứ nhất là ưu tiên đầu tư 2 nền tảng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, hướng tới khách hàng tự phục vụ, tự sử dụng.
Thứ hai là giải quyết vấn đề năng suất lao động. "Những năm trước, quy mô nhân sự MB không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh do ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Tuy nhiên với kế hoạch mở rộng quy mô mạnh mẽ hơn, MB vẫn có kế hoạch tăng người trong năm nay, dự kiến tăng thêm 1.000 người. Những năm sau, tốc độ tăng quy mô nhân sự có thể sẽ giảm đi", ông Thái thông tin.
Liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, ông Vũ Thành Trung, Thành viên HĐQT MB cũng chia sẻ, quan điểm của MB làm chuyển đổi số không phải để cắt giảm nhân sự mà để tăng năng lực và hiệu quả làm việc. Khi có công nghệ hỗ trợ, nhân sự của MB sẽ chuyển dịch sang các mảng tạo ra giá trị cao hơn.
Thùy Dung
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/dhdcd-mb-da-du-tru-truoc-nhung-thach-thuc-ke-ca-ap-luc-tang-no-xau-do-anh-huong-thue-quan-tu-my.html