Chia cổ tức cao bằng cổ phiếu, cổ đông vẫn sốt ruột vì giá trị vốn hóa chưa như kỳ vọng
Sáng nay, MB tiếp tục lập kỷ lục là một trong những ngân hàng có số lượng cổ đông tham dự ĐHĐCĐ lớn nhất. Tính tới 10h30, đã có khoảng 4.400 cổ đông và người được ủy quyền tham dự, mỗi người tham gia được ngân hàng tri ân 500.000 đồng.
Tại Đại hội, HĐQT trình phương án sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 35% gồm hai cấu phần: cổ tức tiền mặt 3% và cổ tức bằng cổ phiếu 32% (phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu).
Ngoài chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, MB cũng dự định phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2024.
Sau khi hoàn tất hai phương án trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết nguồn vốn tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực là 7,7 nghìn tỷ đồng (bao gồm việc đầu tư trụ sở MB ở khu vực phía Nam, miền Trung và/hoặc các khu vực khác có tổng mức đầu tư thấp hơn 20% vốn ngân hàng); đầu tư bổ sung vốn hoạt động, (mô hình kinh doanh mới, các hoạt động kinh doanh,...) là 12,6 nghìn tỷ đồng.
Một tin vui nữa với cổ đông là Đại hội sáng nay đã thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ. Ngân hàng cho biết nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất; với phương thức thực hiện khớp lệnh. Thời gian dự kiến mua lại trong năm 2025 và 2026 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước. Mục đích của việc mua lại cổ phiếu quỹ là nhằm "bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB".
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc vì sao vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vừa mua vào cổ phiếu quỹ (giảm vốn), Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho hay, theo kế hoạch, năm nay MB tăng vốn 33% nhưng mua vào 100 triệu cổ phiếu quỹ chỉ chiếm chưa đến 1,2% vốn, không ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng. Việc mua lại cổ phiếu quỹ là để dự trù tình huống xấu có vấn đề xảy ra giống như giai đoạn vừa qua, khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Đây là một công cụ hỗ trợ cho thị trường, giúp ổn định thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn biến động. Đây là giải pháp mà MB đã từng triển khai trong quá khứ và đã rất thành công.
Hiện nay, giá cổ phiếu MBB vẫn đang ở mức khá thấp và tốc độ tăng trưởng kém cổ phiếu nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác. Cổ đông đặt câu hỏi "sốt ruột" rằng, MB cần có kế hoạch vốn hóa để xứng đáng với giá trị nội tại, ví dụ như nâng mục tiêu vốn hóa lên 20-25 tỷ USD.
Liên quan tới câu hỏi này, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho hay, hiện giá trị vốn hóa của MB là 6 tỷ USD và đang có kế hoạch tăng lên 10 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện tại, giá trị nội tại của MB tăng lên. Chủ tịch MB khuyên cổ đông "đừng sốt ruột vì chỉ dừng chia cổ tức trong 3 năm thì giá cổ phiếu sẽ tăng gấp nhiều lần.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 10%, tự tin về lợi thế CASA
ĐHĐCĐ MB hôm nay đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025: Lợi nhuận trước thuế tăng 10%; tổng tài sản tăng khoảng 21,2%, huy động vốn tăng khoảng 23,3%, tín dụng tăng khoảng 23,7% (tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân thủ Base II ở mức tối thiểu là 9%. Về các chỉ số như ROE (xấp xỉ 20-22%), ROA (xấp xỉ 2%) hay CIR dưới 30%, thuộc top đầu ngành ngân hàng.
Mục tiêu lợi nhuận này, theo ông Lưu Trung Thái, là đã tính đến các tác động của chính sách thuế quan của Mỹ. Theo đó, năm nay, ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng 24 - 25%, doanh thu tăng 20 - 25% nhưng chỉ đề ra mục tiêu lợi nhuận tăng 10% (lường trước áp lực nợ xấu tăng lên do nhóm doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại).
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB
Lợi thế của MB là lượng khách hàng đông, CASA lớn, nhờ vậy có thể kiểm soát tốt chi phí vốn. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho hay, MB sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với CASA nhờ lượng khách hàng rất lớn, dự kiến đạt 35 triệu trong năm nay và sẽ lên 40 triệu trong vài năm tới.
Riêng với nợ xấu, lãnh đạo MB cho biết, nợ xấu hợp nhất là 1,63%, nợ xấu riêng lẻ là 1,35%, tuy có nhích lên song vẫn thấp so với toàn ngành. Năm nay, MB dự định tăng chi phí dự phòng để bảo vệ cho ngân hàng, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%.
ĐHĐCĐ MB sáng nay cũng đã thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc và tiếp tục thực hiện các nội dung trong phương án chuyển giao bắt buộc (gồm cả các sửa đổi, bổ sung) đã được phê duyệt.
Cụ thể, MB sẽ góp vốn vào MBV tối đa 5.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án được duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MB hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Cùng với đó MB cũng lên kế hoạch thành lập Ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các quốc gia, thị trường tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới của MB (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).
T.L