ĐHĐCĐ PAN: Thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng quá lớn đến lợi nhuận dù trong kịch bản xấu nhất

ĐHĐCĐ PAN: Thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng quá lớn đến lợi nhuận dù trong kịch bản xấu nhất
7 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Tập đoàn PAN 2025. Ảnh: PAN.
'Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của tập đoàn rất nhỏ'
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group đánh giá: "Năm 2024 là một năm đầy biến động, không chỉ trên thế giới mà cả tại Việt Nam. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, và Tập đoàn PAN cũng phát triển rất mạnh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group.
Ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và giữ vai trò trụ cột khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 63 tỷ USD. Trong bối cảnh như vậy, kết quả kinh doanh của PAN là rất ấn tượng. Doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 1.167 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch.
Sang năm 2025, PAN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 17.256 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 4% so với thực hiện 2024. Nếu đạt được, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục lập đỉnh mới.
Công ty tiếp tục đặt kế hoạch cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%.
Lãnh đạo PAN đánh giá năm 2025 sẽ là giai đoạn đầy thách thức với nhiều biến số khó lường, đặc biệt là với các hoạt động xuất khẩu. Lạm phát và lãi suất tại Mỹ có thể duy trì ở mức cao, gây áp lực lên tỷ giá và chi phí tài chính trong nước, trong khi thị trường nội địa vẫn phục hồi chậm dù được hỗ trợ bởi các chính sách kích cầu của Chính phủ. Dù vậy, ở kịch bản tích cực, PAN kỳ vọng thị trường xuất khẩu và nội địa sẽ thuận lợi hơn, các chính sách thuế của Mỹ không ảnh hưởng trọng yếu, từ đó mở ra cơ hội tăng trưởng vượt kế hoạch.
Trả lời cổ đông về tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với kết quả kinh doanh của Tập đoàn PAN cùng với chiến lược ứng phó của Tập đoàn, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Tôi có thể khẳng định rằng tác động của thuế quan Mỹ đối với chúng tôi hiện tại là không lớn. Thực tế, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, ngay cả trong ngành tôm của Tập đoàn, cũng rất nhỏ. Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thì ảnh hưởng trực tiếp chủ yếu chỉ có xuất khẩu tôm. Mặc dù chúng tôi đã nhận thức vấn đề thuế quan Mỹ trong nhiều năm, nhưng đã chủ động chuẩn bị trước cho tình huống này.
Chúng tôi đã triển khai các chiến lược tìm kiếm và phát triển các thị trường thay thế, đồng thời tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như châu Âu và Trung Đông. Đặc biệt, đối với các sản phẩm chế biến sâu, các nhà mua hàng của chúng tôi đã chấp nhận trả thuế khi mua theo điều kiện FOB từ Việt Nam, vì vậy những sản phẩm này không bị ảnh hưởng bởi thuế".
Bổ sung thêm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Trà My cho hay: "Từ sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đã tái cấu trúc lại thị trường và sản phẩm. Chúng tôi tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt trong mảng tôm. Sau đại dịch, chúng tôi đã thực hiện việc tái cấu trúc và chuyển trọng tâm sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường".
Theo bà Trà My, công ty con của PAN là Khang An hiện đang tập trung vào xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và châu Âu, đặc biệt là Anh, đối với mảng tôm. Thị trường này đòi hỏi chất lượng rất cao, và PAN đã thành công trong việc đáp ứng yêu cầu về ESG.
"Các nhà nhập khẩu Mỹ, bao gồm cả Costco, đã kiểm tra rất cẩn thận sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi có một tin vui là Costco muốn nhập khẩu trực tiếp tôm vào Mỹ thông qua thương hiệu Kirkland Signature, với giá nhập cao hơn sản phẩm tương tự khoảng 20-25%. Hợp đồng 2.000 tấn đã được ký kết trong tuần trước.
Ngoài việc xuất khẩu sang Mỹ, chúng tôi cũng đã mở rộng hợp đồng với các siêu thị tại Anh, bao gồm cả Waitrose, một chuỗi siêu thị cao cấp hơn cả Tesco. Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng tối đa và tìm kiếm các thị trường cao cấp ở gần để giảm chi phí vận chuyển, đặc biệt là trong thời kỳ COVID-19 khi chi phí container rất cao", đại diện doanh nghiệp thông tin.
Cũng theo bà Trà My, về mặt lợi nhuận, margin của thị trường Mỹ là khá thấp so với các thị trường khác như Úc, châu Âu và Nhật. Do đó, tác động của thuế, dù trong kịch bản xấu nhất, cũng không ảnh hưởng quá lớn đến lợi nhuận của PAN, ít nhất là trong năm 2025. "Tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 chỉ chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu của chúng tôi, trong đó mảng tôm chiếm 13%. Những con số này nhỏ so với bức tranh doanh thu toàn diện của tập đoàn", lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Về kế hoạch xuất khẩu trong quý II, PAN dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ đạt 80%. Cùng đó, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới và mở rộng hợp đồng với các khách hàng lớn. Trong những năm tới, tập đoàn tiếp tục tăng trưởng bền vững bằng cách tập trung vào các sản phẩm cao cấp và các thị trường gần để giảm thiểu chi phí vận chuyển.
Dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2025 và thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Kết quả kinh doanh quý I của PAN là rất khả quan. Tuy nhiên, tôi thừa nhận rằng môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn khó khăn và khó lường. Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn, chưa bao giờ ai dám nói chắc cái gì với những diễn biến của thị trường. Các diễn biến thay đổi liên tục khiến chúng tôi không thể dự đoán trước: Hôm nay thế này, ngày mai lại khác, trong ngày kia nó lại có vấn đề, không ai dám có thể dám nói trước được gì cả".
Tuy vậy, lãnh đạo PAN vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng trình ĐHĐCĐ vì kỳ vọng rằng PAN có thể hoàn thành tất cả những gì đã đặt ra. "Lại quay lại câu chuyện từ trước đến nay, tôi luôn luôn làm được những cái gì tôi nói", Chủ tịch PAN cam kết trước cổ đông.
Về biến động giá gạo, việc giảm giá gạo có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả kinh doanh của PAN, tuy nhiên lãnh đạo PAN cho rằng đây không phải là yếu tố trọng yếu tác động đến sự phát triển bền vững của tập đoàn. Vinaseed, công ty thành viên của PAN, sẽ tiếp tục tập trung vào việc làm các sản phẩm giá trị gia tăng làm thương hiệu. Đây là chiến lược giúp tập đoàn giảm thiểu tác động của biến động giá cả hàng hóa cơ bản.
Kế hoạch M&A những doanh nghiệp "trùng giấc mơ"
PAN hiện là tập đoàn nông nghiệp, thực phẩm lớn ở Việt Nam, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: giống cây trồng, nuôi và chế biến tôm xuất khẩu, sở hữu thương hiệu bánh kẹo nội địa, nhà máy chế biến gạo… Do đó, các chiến lược M&A của tập đoàn cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ về chiến lược M&A trong thời gian tới, chủ tịch Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rằng tập đoàn PAN có tầm nhìn xây dựng một tập đoàn về nông nghiệp, và chúng tôi mong muốn đóng góp vào việc nâng tầm nông nghiệp Việt Nam. Khi thực hiện M&A, tiêu chí đầu tiên là doanh nghiệp mục tiêu phải "trùng giấc mơ" với hệ sinh thái PAN. Quan trọng không kém là sự đồng hành của người đứng đầu doanh nghiệp mục tiêu, cùng mô hình kinh doanh phù hợp với tập đoàn.
Chúng tôi cũng phải đảm bảo cơ chế kiểm soát, tránh tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Trong thực tế, đã có doanh nghiệp chúng tôi nghiên cứu sâu nhưng cuối cùng vẫn quyết định từ chối M&A vì không phù hợp”.
"Hệ sinh thái của chúng tôi có các công ty thành viên với văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người đều hướng về lợi ích chung, đó là xây dựng tổ chức mạnh mẽ hơn, thì những khác biệt văn hóa sẽ không phải là vấn đề lớn. Mâu thuẫn thường xảy ra khi lợi ích cá nhân không đồng nhất. Sự khác biệt văn hóa đôi khi chỉ là lý do để che đậy những xung đột lợi ích.
Chúng tôi ưu tiên xây dựng một cộng đồng chung minh bạch, nơi mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự phát triển. Thành công của tập đoàn không phải là công cụ phục vụ lợi ích cá nhân. Tôi tin rằng, với sự minh bạch trong các quyết định và tỷ lệ cổ phần chiếm đa số, PAN chưa gặp phải những vướng mắc lớn về mâu thuẫn văn hóa hay lợi ích", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói thêm.
PV
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/dhdcd-pan-thue-quan-cua-my-khong-anh-huong-qua-lon-den-loi-nhuan-du-trong-kich-ban-xau-nhat.html