Năm tài chính 2024 khép lại với kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Siam Brothers Việt Nam. Theo báo cáo tài chính hợp nhất tự lập, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục lên tới hơn 30 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Kết quả này, cùng với việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 quá thời gian quy định, đã khiến cổ phiếu SBV bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/4/2025.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong năm 2024, ông Veerapong Sawatyanon - Chủ tịch HĐQT Siam Brothers Việt Nam cho biết, công ty đã gặp một số khó khăn trong quá trình mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới, dẫn đến chi phí vận hành gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng này đang được tích cực giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tham vọng năm 2025: Doanh thu kỷ lục, trở lại có lãi
Mặc dù vừa trải qua một năm khó khăn, Siam Brothers Việt Nam lại đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 đầy tham vọng. Công ty đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 820 tỷ đồng, tăng tới 63% so với năm 2024. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt gần 45 tỷ đồng, đánh dấu sự trở lại của lợi nhuận sau khoản lỗ năm trước.
Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng này, Đại hội cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu.
Chia sẻ về cơ sở của mục tiêu tăng trưởng cao, ông Veerapong Sawatyanon cho hay, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng quan trọng với các đối tác trong thời gian qua. Ông Trần Thanh Long - Giám đốc Kinh doanh SBV bổ sung thêm thông tin tích cực khi báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2025 đã đạt mức tăng trưởng 30% và công ty đã ký được đủ đơn hàng xuất khẩu để phủ kín kế hoạch sản xuất cho cả năm 2025.
"Thách thức lớn nhất hiện tại không phải là đơn hàng mà là năng lực sản xuất, do nhu cầu từ các thị trường châu Âu đang tăng mạnh, việc cần làm của Công ty là cơ cấu lại sản xuất để đảm bảo đáp ứng đơn hàng đúng tiến độ", ông Long nhấn mạnh. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu thị trường và tiềm năng tăng trưởng của SBV.
Thích ứng với biến động thương mại quốc tế, không phụ thuộc vào Trung Quốc
Tại đại hội, vấn đề ảnh hưởng của biến động thương mại quốc tế, đặc biệt là thuế quan đối ứng từ Mỹ, cũng nhận được sự quan tâm từ cổ đông.
Chủ tịch Veerapong Sawatyanon đánh giá ảnh hưởng thuế quan lên công ty là không đáng kể đối với các sản phẩm hiện tại như dây thừng chuyên dụng và thủ công, do chưa chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sang Mỹ của SBV. Công ty vẫn duy trì chiến lược xuất khẩu sang thị trường này nhưng với sự thận trọng hơn.
Thay vào đó, Siam Brothers Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nơi vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi và đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông tin rằng các hiệp định thương mại song phương và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần giảm bớt mức thuế quan của Mỹ trong thời gian tới.
Bà Ngô Từ Đông Khanh - Tổng Giám đốc SBV chia sẻ thêm về chiến lược thích ứng. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Nắm bắt xu thế này, SBV đã chuyển hướng từ ngành sản xuất dây thừng truyền thống sang dây đa dụng chuyên ngành, phục vụ nhu cầu của thị trường toàn cầu.
"Các khách hàng quốc tế khi tìm kiếm nhà cung cấp mới đều yêu cầu giảm tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh rủi ro chính trị. SBV đã chủ động đa dạng hóa nguồn cung, nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, Indonesia và các nước khác, thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc", Tổng Giám đốc SBV khẳng định, thể hiện sự chủ động trong việc giảm thiểu rủi ro nguồn cung.
Chủ tịch Veerapong Sawatyanon cho biết thêm, công ty đang mở rộng hoạt động tại châu Âu và Nam Mỹ, đã xuất khẩu sang ba quốc gia tại Nam Mỹ và tiếp tục mở rộng thêm hai thị trường mới. Đặc biệt, sản phẩm dây thừng chuyên dụng đã được phát triển mạnh mẽ tại Bắc Âu và Anh Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, duy trì sự linh hoạt.
Phân tích về yếu tố cạnh tranh, ông Veerapong Sawatyanon nhận định chi phí sản xuất không còn là yếu tố quyết định hàng đầu. Mặc dù Trung Quốc từng có lợi thế chi phí lao động thấp, nhưng hiện nay chi phí này đã tăng cao. Dù đã áp dụng tự động hóa để duy trì vị thế, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung mới. Do đó, đối với SBV, chất lượng sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn xuất khẩu và khả năng tiếp cận khách hàng mới là những yếu tố then chốt tạo nên lợi thế cạnh tranh.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Siam Brothers Việt Nam đã thông qua kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận, đồng thời lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn từ ban lãnh đạo về thách thức và cơ hội, cùng những định hướng chiến lược để phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động.
Đỗ Quyên