VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản vượt ngưỡng 1,1 triệu tỷ đồng tại cuối năm 2025. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HOSE: VPB) được tổ chức ngày 28/4 tại khách sạn Lotte, số 54 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của 370 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 6,24 tỷ cổ phiếu, tương đương 78,74% vốn điều lệ VPBank.
Trong báo cáo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh đánh giá năm 2025 là giai đoạn then chốt trong hành trình chiến lược 5 năm của VPBank (2022 – 2026).
Với nền tảng vững chắc của năm 2024, bao gồm tổng tài sản tăng 13% lên 923.848 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng tới 85% vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng, ban điều hành xây dựng kế hoạch kinh doanh với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong đó, tổng tài sản hợp nhất tăng 23% so với đầu năm lên 1,13 triệu tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất và dư nợ cấp tín dụng hợp nhất tăng lần lượt 34% và 25% lên 742.311 tỷ đồng và 887.724 tỷ đồng.
Ngân hàng lên kế hoạch lãi trước thuế 25.270 tỷ đồng, tiếp tục tăng 26% so với nền cao của năm 2024, tiệm cận ngưỡng 1 tỷ USD. Trong đó, FE Credit dự kiến lãi 1.126 tỷ đồng; VPBankS lãi 2.006 tỷ đồng.
Tại đại hội lần này, ban lãnh đạo VPBank đề xuất phương án chia cổ tức năm 2024 cho cổ đông với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, tương ứng dự chi số tiền 3.966,9 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cùng Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân có mặt tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Video: Minh Phong - Mekong ASEAN
Thành lập công ty bảo hiểm, công ty quỹ
Một nội dung khác sẽ được VPBank trình cổ đông là phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con.
Bên cạnh đó, HĐQT VPBank cũng trình cổ đông phương án góp vốn để thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm. Công ty có vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng, HĐQT quyết định mức cụ thể theo thỏa thuận với các bên/nhà đầu tư liên quan.
Công ty bảo hiểm VPBank dự kiến thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và được Bộ Tài chính chấp thuận.
VPBank vốn đang sở hữu một công ty bảo hiểm, khi nắm giữ 99,42% vốn điều lệ của CTCP Bảo hiểm OPES - một trong những doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Trong năm 2024, OPES lãi trước thuế 474 tỷ đồng, cao gấp 3 lần kết quả của năm 2023. Sang năm 2025, OPES đặt mục tiêu lãi trước thuế 636 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.
“Tính tới cuối năm 2024, OPES đã phát hành thành công hơn 231 triệu hợp đồng bảo hiểm trên nền tảng trực tuyến, gấp hơn 2 lần con số của năm 2023, tương đương hơn 600.000 hợp đồng/ngày và phục vụ tệp khách hàng lên tới hơn 20 triệu người,” báo cáo thường niên năm 2024 của VPBank nêu rõ.
VPBank không phải là ngân hàng duy nhất muốn thành lập công ty bảo hiểm trong thời gian gần đây. Tại đợt lấy ý kiến cổ đông vào tháng 2/2025, một ngân hàng tư nhân lớn khác là Techcombank (TCB) cũng thông qua phương án thành lập một công ty bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh việc mua lại cổ phần để CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns) trở thành công ty con của TCB.