Đi ăn theo review TikToker

Đi ăn theo review TikToker
6 giờ trướcBài gốc
Hiện tượng đi ăn theo review TikToker
Lướt những video với tiêu đề, hình ảnh hấp dẫn trên mạng xã hội, người xem sẽ dễ dàng bị thu hút. Không ít người bị cuốn vào những lời giới thiệu đầy thuyết phục của các TikToker rồi nhanh chóng tìm đến các địa điểm này để trải nghiệm.
Ngoài việc đánh giá chất lượng món ăn, các reviewer còn chia sẻ trải nghiệm về không gian, giá cả, cách phục vụ… và thậm chí cả mẹo ăn buffet không sợ lỗ, cách gọi món tiết kiệm.
Tuy nhiên, khi hiện tượng review trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, không ít reviewer đã chấp nhận quảng cáo cho các quán ăn kém chất lượng, làm mất đi tính khách quan ban đầu. Nhiều món ăn, trải nghiệm đều không hề giống như video quảng bá khiến thực khách thất vọng.
Đặc biệt, cảm giác bị “lừa” xuất hiện khi trải nghiệm không xứng đáng với kỳ vọng mà video review đã tạo ra. Điều này khiến họ mất niềm tin vào các video review trên mạng xã hội.
Sự xuất hiện ồ ạt của các reviewer không chuyên khiến người xem khó phân biệt đâu là đánh giá thật, đâu là nội dung được trả tiền để quảng cáo. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không để bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xu hướng và luôn giữ cho mình sự sáng suốt để trở thành những thực khách thông minh.
Áp lực của chủ quán
Food reviewer - những người chuyên đánh giá món ăn trên mạng xã hội - đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến các quán ăn, nhà hàng. Với chủ quán, đó có thể là cơ hội để được nhiều người biết đến hơn, nhưng cũng là một thử thách không nhỏ.
Hai năm kinh doanh quán bánh đa cá, anh Hoàng Văn Huy (Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn mong chờ một ngày được các food reviewer ghé thăm. Anh tin rằng món ăn gia truyền không mì chính của mình có thể chinh phục được nhiều thực khách. Với tâm thế sẵn sàng, anh luôn đón nhận mọi lời khen chê để hoàn thiện hơn.
Anh Huy chia sẻ: "Nếu được thì tôi muốn mời các food reviewer qua thử và không ngại đón tiếp. Nhà tôi luôn đảm bảo chất lượng món ăn và dịch vụ thì không ngại những bình luận trái chiều".
Cũng nhờ sự xuất hiện của các reviewer, quán phở gà của chị Nguyễn Trang Nhung đã thu hút được nhiều khách hơn. Nhưng đi kèm với đó là áp lực không nhỏ: từ việc giữ vững chất lượng món ăn, điều chỉnh nhân công phục vụ đến thời gian đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Chị Nhung, chủ quán phở gà Vị Yên, cho biết: "Cũng có những người đến review quán của tôi, có đôi chút vất vả hơn, đôi khi gặp những thực khách không hợp với khẩu vị của họ. Thế nhưng mình càng phải cố gắng để hoàn thiện hơn món ăn mỗi ngày".
Tuy nhiên, không phải quán nào cũng sẵn sàng đón reviewer. Bởi bên cạnh những người đánh giá chân thực, có tâm, không ít reviewer thiếu trách nhiệm, đưa ra nhận xét thiếu khách quan, ảnh hưởng tiêu cực đến quán ăn. Đã có những cửa hàng phải treo biển từ chối tiếp reviewer để tránh những điều tiếng không mong muốn.
Lời khuyên cho thực khách
Giữa vô vàn quán ăn và những món ăn ngon trên mạng xã hội, liệu thực khách có thể hoàn toàn tin vào những gì được quảng cáo? Làn sóng các food reviewer nổi lên như một cách để mọi người tìm được những địa chỉ ăn uống chất lượng, nhưng cũng không ít những chiêu trò để đánh lừa khách hàng.
Là một reviewer ẩm thực với hơn 5 năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Hà Hải, hay còn gọi là Hải Wanderlust, là cái tên quen thuộc với nhiều tín đồ ẩm thực. Để có những video chất lượng, anh Hải luôn tự mình trải nghiệm trước, đánh giá khách quan để mang đến thông tin trung thực nhất cho người xem.
Anh Hải chia sẻ: "Để đi đến quyết định rằng tôi có review một quán nào không thì đầu tiên tôi sẽ phải đi ăn thử quán đó trước để xem chất lượng đồ ăn, cách phục vụ cũng như không gian quán có phù hợp để tôi đưa lên kênh hay không. Nếu như quán ăn chưa đạt đúng tiêu chí về chất lượng đồ ăn thì tôi sẽ không review lên kênh của mình. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa những lời góp ý thẳng thắn với chủ quán đó để họ có thể thay đổi, cũng như là lắng nghe và có thể sửa đổi trong thời gian tới để phục vụ khách hàng khác tốt hơn".
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, số lượng người sáng tạo nội dung tăng lên đáng kể. Do đó, việc lựa chọn hướng đi và nội dung của các reviewer trở nên vô cùng quan trọng, giúp họ giữ được sự khách quan và mang đến những đánh giá chân thật cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những lời khen ngợi trên mạng cũng đáng tin. Một số quán ăn sẵn sàng chi tiền cho reviewer để "tô hồng" chất lượng, quảng cáo không đúng với sự thật. Giữa làn sóng review ồ ạt, điều quan trọng nhất với người tiêu dùng là sự tỉnh táo, chọn lọc thông tin thay vì chạy theo xu hướng một cách mù quáng.
Việc kiểm soát các nhóm KOLs trên thế giới
Mạng xã hội phát triển, việc sử dụng người có tầm ảnh hưởng (KOLs, KOCs) để quảng bá sản phẩm đang ngày càng phổ biến. Để đảm bảo tính chân thật và minh bạch, cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát các nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung do người nổi tiếng đăng tải.
Nghề review đồ ăn phát triển nhanh chóng những năm gần đây song những người làm nội dung này cũng trở thành vấn đề đau đầu với nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tại nhiều nước và cả các cơ quan luật pháp. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào thực sự có quy định cụ thể về mảng này mà mới chỉ giới hạn về hoạt động quảng cáo trá hình, đánh lừa người xem.
Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC) Hàn Quốc đã ra quyết định cấm hoạt động "quảng cáo trá hình trên mạng" từ ngày 1/9/2020. Quy định của FTC Hàn Quốc yêu cầu những người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng như YouTube, Facebook, Instagram… tại nước này phải nói rõ với người xem rằng họ đang quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ được trả phí.
Đối với các video phát trực tiếp, streamer phải thông báo cho người xem 5 phút một lần về quảng cáo trả phí. Nếu không tuân thủ, cả influencer và nhãn hàng sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500 triệu won.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, "cấm cửa" vẫn là biện pháp duy nhất các chủ nhà hàng, quán ăn có thể làm để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị review sai sự thật hay các reviewer đòi hỏi, sẵn sàng bịa đặt, nói dối để câu view.
Từ năm 2019, một số nhà hàng tại Australia, Hàn Quốc, treo biển cấm YouTuber, TikToker, người làm mukbang (phát sóng ăn uống) vì những đòi hỏi vô lý như không gian quay phim, bữa ăn miễn phí…
Năm 2018, Paul Stenson, người điều hành khách sạn Charleville Lodge Dublin (Ireland), thông báo cấm tất cả blogger đến khách sạn và quán cà phê của mình. Trước đó, Paul từ chối lời đề nghị được đến ở miễn phí để review về dịch vụ tại đây của một YouTuber. Sau đó, người này "bóc phốt" khách sạn và cùng nhiều người trong cộng đồng "có sức ảnh hưởng" lên tiếng chỉ trích doanh nghiệp này.
Năm 2021, sau khi bị một số TikToker đặt điện thoại lên băng chuyền để quay phim, một chuỗi nhà hàng sushi tại Mỹ và Canada cũng treo biển không tiếp nhóm thực khách này.
Review quán ăn trên mạng có hai mặt. Nó có thể giúp thực khách khám phá những địa điểm ăn uống chất lượng, nhưng cũng có thể dẫn đến những trải nghiệm không như mong đợi.
Đỗ Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/di-an-theo-review-tiktoker-305033.htm