Đi bộ buổi sáng cần phù hợp lịch trình thức – ngủ của bạn, mục tiêu thể dục, địa hình và điều kiện thời tiết. Ảnh minh họa: internet
Đi bộ sáng sớm mùa đông ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Làm trầm trọng hơn các vấn đề về hô hấp
Đi bộ trong mùa đông, đặc biệt vào sáng sớm, khi nhiệt độ thấp nhất trong ngày có tác động không nhỏ lên hệ hô hấp. Nguyên nhân do không khí lạnh làm đường thở co lại khi hít vào, gây suy yếu luồng không khí đến phổi. Điều này dẫn đến khó thở và tăng sản xuất chất nhầy, làm xuất hiện các triệu chứng thở khò khè, ho, khó thở...
Bên cạnh đó, khi đi bộ vào sáng sớm khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để làm ấm không khí lạnh, điều này có thể gây thêm áp lực cho phổi và làm trầm trọng thêm các tình trạng khác như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...
Không chỉ thế, thời tiết mùa đông cũng góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm không khí do hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng này thường xảy ra khi không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm như khí thải ô tô, khí thải công nghiệp gần mặt đất... tạo thành hỗn hợp nguy hiểm của các hạt không khí. Những người bị hen suyễn hoặc phổi nhạy cảm khi đi bộ trong điều kiện như vậy có thể bị kích ứng đường hô hấp, khiến họ khó thở hơn và có nguy cơ bùng phát bệnh.
Tăng nguy cơ căng thẳng tim
Thời tiết lạnh trong buổi sáng mùa đông khiến các mạch máu co lại để giữ nhiệt cho cơ thể. Điều này làm tăng huyết áp và khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, đặc biệt đối với những người bị tăng huyết áp hoặc có bệnh tim từ trước. Thời tiết lạnh cũng khiến nhu cầu oxy của tim tăng lên, nên đối với những người mắc bệnh động mạch vành, nếu không cung cấp đủ oxy có thể gây ra đau thắt ngực hoặc các biến chứng khác.
Ngoài ra, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người bị xơ vữa động mạch hoặc các vấn đề tim mạch khác.
Thêm vào đó là sự gắng sức về mặt thể chất khi đi bộ hoặc chịu đựng những cơn gió lạnh cũng khiến nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim
Tăng nguy cơ chấn thương
Sương giá và trơn trượt trên lối đi là hiện tượng thường thấy vào buổi sáng mùa đông, làm tăng nguy cơ trượt ngã. Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Ấn Độ, té ngã là nguyên nhân gây thương tích lớn nhất trong suốt mùa đông, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Ngoài ra, đi bộ vào sáng sớm còn có thể gây bong gân, gãy xương và các chấn thương nghiêm trọng hơn nếu thực hiện ở những nơi có lưu lượng giao thông cao hoặc địa hình không bằng phẳng.
Suy giảm khả năng miễn dịch do nhiệt độ thay đổi đột ngột
Việc cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ giảm đột ngột khi bước ra ngoài vào buổi sáng giá lạnh, có thể làm suy yếu tạm thời hệ thống miễn dịch, dẫn đến cúm hoặc cảm lạnh. Hơn nữa, mùa đông cũng là thời điểm có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi.
Do đó, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến niêm mạc trong hệ hô hấp bị khô, làm cho khả năng bắt, loại bỏ các mầm bệnh có hại bị giảm đồng thời làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Cơ thể dễ bị mất nước
Không khí vào mùa đông đặc biệt khô nên góp phần gây mất nước, làm khô cổ và đường hô hấp, gây khó chịu khi thở. Đây là thách thức đối với người cao tuổi và những trường hợp mắc các bệnh mạn tính, người nhạy cảm với không khí lạnh do làm trầm trọng hơn tình trạng ho, ho khan, khó thở...
Đi bộ trong khoảng thời gian từ 8-10h phù hợp với những người nhạy cảm với cái lạnh của buổi sáng sớm. Ảnh minh họa: internet
Đi bộ buổi sáng nên chọn lúc mấy giờ?
Đi bộ khi mặt trời đã mọc
Thời điểm từ 6h30 đến 8h khi mặt trời mọc sẽ cung cấp đủ ánh sáng, nhưng vẫn chưa quá nóng, bức… giúp cơ thể tiếp xúc với tia nắng mặt trời tươi mới đầu ngày, hỗ trợ cơ thể tổng hợp vitamin D.
Tuy nhiên, đối với những người phải làm việc ca sáng, việc kết hợp thói quen đi bộ này có thể sẽ không phù hợp.
Đi bộ vào cuối buổi sáng
Đối với những người thức dậy muộn hơn hoặc có lịch trình linh hoạt, đi bộ vào cuối buổi sáng (từ 8h đến 10h) vẫn có lợi, cho phép bạn tận hưởng những lợi ích của việc tập thể dục buổi sáng mà không cảm thấy vội vã.
Đi bộ trong khoảng thời gian này phù hợp với những người nhạy cảm với cái lạnh của buổi sáng sớm. Đi bộ sau bữa sáng có thể giúp tiêu hóa, đặc biệt là sau khi đã bổ sung cho cơ thể một bữa sáng đầy đủ. Đi bộ vào cuối buổi sáng cũng rất có lợi cho những người cần bổ sung vitamin D.
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu km?
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng), những người khỏe mạnh nên đi bộ từ 3 km trở lên mỗi ngày để duy trì sức khỏe. Khi đã làm quen, bạn có thể tăng cường độ tập luyện lên để tăng cường sự dẻo dai. Bạn có thể nghe nhạc, thay đổi cung đường đi bộ hoặc rủ thêm người đi cùng để có thêm động lực, không bị bỏ cuộc giữa chừng.
Đi bộ cũng là một trong những hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp với hầu hết mọi người, kể cả người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính hay người không có nhiều thời gian tập luyện. Khi tập, bạn nên bắt đầu đi bộ với tốc độ vừa phải, sau đó tăng dần tốc độ. Uống nhiều nước trước và sau khi đi bộ để ngăn ngừa mất nước.
Theo khuyến cáo, mỗi người nên tập thể dục với cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Trường hợp mắc bệnh mạn tính hoặc có vấn đề sức khỏe thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp, an toàn. Người cao tuổi nên tập luyện nhẹ nhàng ở trong nhà, nơi có mái che hoặc nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm, khăn, găng tay.
Lưu ý,vào mùa đông, bạn nên hạn chế ra ngoài vào sáng sớm và tập luyện trong thời tiết lạnh. Nên khởi động kỹ trước khi tập để làm ấm cơ thể, thư giãn cơ xương khớp để tránh bị chuột rút, chấn thương.
Vân Lê (tổng hợp)