Di cảo Đặng Đình Hưng – những gì chưa biết tới

Di cảo Đặng Đình Hưng – những gì chưa biết tới
13 giờ trướcBài gốc
Bìa sách "Di cảo Đặng Đình Hưng".
Nhà thơ / nhạc sĩ Đặng Đình Hưng sinh tại làng Thụy Hương (Hà Tây cũ – nay thuộc Hà Nội) năm 1924, tốt nghiệp Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông vào học trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng tháng 8 bùng nổ, ông nhập ngay vào hoạt động đoàn thể ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến, ông theo Việt Minh lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền, Năm 1947, ông vào công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương, năm 1951, ông được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương.
Cố nhà thơ Đặng Đình Hưng. Ảnh: CATĐ.
Cùng với một số nhà thơ có khát vọng cách tân thơ, ông đã tự tìm hướng đi cho riêng mình, ông đã tự dấn thân, tự lột xác, tự nhúng mình nhức nhói trong những thể nghiệm đầy giông bão của một thời đại. Một số tập thơ, bài thơ đã được xuất bản từ những năm 1958 cho thấy sự cách tân cực kỳ bản lĩnh của ông như tập “Lirik”, “Cômik”, “Khóc Mỵ Châu”…
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã được xuất bản: Một số ca khúc (in bướm); Tranh Đặng Đình Hưng (1989); Bến Lạ (tập thơ – Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh 1991); Ô Mai (tập thơ – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1993); Đặng Đình Hưng – Một bến lạ (Thơ / họa - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021).
Chia sẻ lý do làm cuốn sách này, họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết: “Năm 2021, sau khi “Một bến lạ” ra mắt độc giả, thật hữu duyên, một số bạn của tôi đã tin tưởng đưa tôi những bản thủ bút các tác phẩm của cụ Đặng Đình Hưng. Tất cả đều chưa từng xuất hiện và họ mong muốn, một ngày nào đó có thể xuất bản để mọi người đều được biết tới. Di cảo như tên gọi của nó là những gì chưa được biết tới. Nó cần phải được phổ biến để bức chân dung của tác giả sẽ hoàn chỉnh hơn”.
Nhận định thơ Đặng Đình Hưng hiện đại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng các vần thơ đã đi xuyên không gian, ở lại với từng thế hệ bạn đọc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, trong thơ Đặng Đình Hưng có tính nhạc. Ông nhớ kỷ niệm năm 11 tuổi, trong một lần qua nhà ''bác Hưng'' chơi, ông được nhà thơ khuyên thử tập sáng tác, học khí nhạc. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Moskva, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hay cùng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đến thăm nhà thơ Đặng Đình Hưng. Mỗi lần gặp, nhà thơ Đặng Đình Hưng thường cất một câu hát mang đậm chất thơ. Điều đó in đậm trong ký ức nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn xúc động chia sẻ: “Tôi rất vui khi được dự ra mắt cuốn sách này. Tôi vui vì bố Đặng Đình Hưng giờ đây không chỉ là của riêng gia đình mà đã trở thành nhà thơ Đặng Đình Hưng của tất cả mọi người.”
Cuốn sách gồm các tập thơ như Rra (1965), Songe A (1968), Sử thi Phù Đổng ca (1970) cùng một số các trang thủ bút các tập thơ của ông, Thư của Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng, chân dung Đặng Đình Hưng qua ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường, các bài viết của các tác giả như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Đan, Nguyễn Thụy Kha (lời bạt).
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/sach-hay/di-cao-dang-dinh-hung-nhung-gi-chua-biet-toi-2066329.html