Bà Đ.T.L (61 tuổi trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cấp cứu do đau bụng. Trước đó, người phụ nữ này bị hóc xương cá, 2 ngày sau xuất hiện cơn đau bụng.
Kết quả chụp CT cho thấy có dị vật xuyên thành ruột non vùng tiểu khung lệch phải. Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Liên chuyên khoa ngay lập tức chỉ định phẫu thuật lấy dị vật và khâu thủng lỗ ruột non cho người bệnh.
Đến nay, sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bà L. đã ổn định, không còn tình trạng đau bụng, ăn uống bình thường và ra viện.
Hình ảnh xương cá xuyên thủng ruột của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện do có dị vật đường tiêu hóa. Người dân thường vô tình nuốt phải tăm tre, mảnh xương, răng giả… ở trẻ nhỏ thường là đồ chơi, đồng xu, pin, cúc áo…
Để phòng ngừa bị dị vật đường tiêu hóa, các bác sĩ khuyến cáo:
- Cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn canh vào cơm ăn cùng một lúc, vừa ăn vừa nói chuyện.
- Lưu ý các loại thịt cá có lẫn xương trong khi ăn.
- Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong.
- Chú ý trông chừng trẻ nhỏ khi cầm nắm các đồ chơi nhỏ.
Khi có các biểu hiện như đau nhói, châm chích ở vùng cổ họng, mắc nghẹn, khó nuốt và đau khi nuốt; ho nhiều hoặc ho, khạc ra máu; đau tăng mạnh, ngực sưng, cổ bị phù nề, không thể ăn uống, người bệnh đã hóc miếng xương cá lớn và đã nằm sâu trong thực quản nên tới cơ sở y tế ngay.
Phương Thúy