Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến giá trị lý luận về văn hóa, con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực tiễn về xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở Thừa Thiên - Huế theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu đều khẳng định giá trị, những vấn đề về văn hóa và con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động.
Dù đã qua hơn nửa thế kỷ, bản Di chúc vẫn còn nguyên giá trị, là cương lĩnh để tiến tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bên cạnh đó, các đại biểu còn phân tích những vấn đề mang tính lý luận, tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá những thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên - Huế; từ đó khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Nhiều đại biểu cũng đã đóng góp, đề ra một hệ thống giải pháp phong phú, tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh để những lời căn dặn của Người trong Di chúc được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.
Quang cảnh hội thảo.
Thạc sĩ Nguyễn Thu Hằng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế nhấn mạnh, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi rọi vào hành trình xây dựng đất nước, tư tưởng của Người về văn hóa dẫn dắt, định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam. Những thành tựu đất nước đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực về: văn hóa, tư tưởng, con người, môi trường văn hóa, văn hóa trong Đảng, văn hóa trong kinh tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài… ở nhiều góc độ, đã kế thừa, phát triển trên tinh thần văn hóa trong bản Di chúc của Người.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.
Theo Tiến sĩ Hồ Châu, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, những giá trị tư tưởng về con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức đảng, chính quyền các cấp ở Thừa Thiên - Huế vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo để xây dựng văn hóa, con người nơi đây ngày càng tốt đẹp theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.
55 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế trong từng giai đoạn lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh "biến đau thương thành hành động cách mạng" giải phóng quê hương, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, hoạch định những chủ trương chính sách để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn di sản, môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng xã hội học tập, để Cố đô Huế trở thành thành phố "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Thừa Thiên - Huế tự hào là nơi gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 10 năm trong thời niên thiếu, để từ đó di sản, di tích về Người trở thành giá trị đặc biệt, một mảnh ghép quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của Thừa Thiên - Huế.
Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)