Hàng ngày, Công Minh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) phải mất hơn một tiếng di chuyển bằng xe buýt từ TP Thủ Đức đến quận 1 để đi làm. Với thông tin tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến vận hành thương mại từ ngày 22/12 tới đây, Minh tỏ ra hào hứng và bắt đầu tìm hiểu về tuyến xe buýt kết nối trực tiếp đến các nhà ga.
Không chỉ Minh, nhiều người dân TP.HCM cũng tò mò về cách di chuyển đến các ga metro sao cho thuận tiện nhất.
Thực tế, bên cạnh các phương tiện cá nhân, người dân cũng có thể sử dụng xe buýt, xe đạp công cộng để đến các ga metro từ khắp nơi trong TP.
17 tuyến xe buýt điện kết nối với metro
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đơn vị đang tập trung chuẩn bị 17 tuyến xe buýt gom để kết nối với các ga metro số 1.
Các tuyến buýt này vận hành dọc theo hành lang metro số 1 và đón hành khách từ các đường lân cận đến các nhà ga gần nhất.
Theo ông Đường, những tuyến buýt gom này không chỉ kết nối các ga metro với khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, mà còn tới các trung tâm thương mại và các trường đại học, cao đẳng thuộc các khu vực như TP Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1...
Người dân có thể đi theo 17 tuyến mới gồm 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169.
Đặc biệt, toàn bộ 17 tuyến xe buýt gom kết nối metro số 1 sẽ sử dụng xe điện thân thiện với môi trường, kèm hình ảnh nhận diện riêng. Người dân cũng sẽ nhìn thấy sơ đồ và lộ trình cụ thể của từng tuyến trên bảng thông tin tại các nhà ga, qua đó dễ dàng tra cứu và sử dụng dịch vụ.
Về lâu dài, người dân còn có thể theo dõi thông tin qua ứng dụng và sử dụng hệ thống thanh toán thông minh để đi metro.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, 17 tuyến buýt này đã được đấu thầu và triển khai bởi CTCP Xe khách Phương Trang (Futabuslines) với tổng giá trị gói thầu hơn 400 tỷ đồng.
Ngoài 17 tuyến xe buýt mới, TP.HCM còn duy trì các tuyến buýt hiện hữu có kết nối metro, bao gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152 và D4.
Tổng cộng, các tuyến này thực hiện 3.528 chuyến mỗi ngày và đều đi qua khu vực chợ Bến Thành (quận 1), nơi người dân có thể lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi.
Xe đạp công cộng, xe công nghệ
Bên cạnh hệ thống xe buýt, người dân còn có thể di chuyển đến các nhà ga bằng nhiều phương tiện khác. Với xe cá nhân, các ga metro có bố trí bãi đỗ xe.
Ngoài ra, người dân còn có thể đến các ga metro số 1 bằng xe đạp công cộng. Hiện TP.HCM đã có 43 trạm xe đạp công cộng, trong đó có 3 vị trí gần Công trường Quách Thị Trang (quận 1) tại đường Hàm Nghi, Lê Lợi và Lê Lai.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết đơn vị này đang phối hợp các cơ quan liên quan để khảo sát, bổ sung thêm các trạm xe đạp công cộng kết nối với metro số 1 trong thời gian tới.
TP.HCM đang khảo sát, bổ sung trạm xe đạp công cộng kết nối với metro số 1 trong thời gian tới. Ảnh: Thư Trần.
Ngoài ra, taxi và các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Be, Xanh SM... cũng sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu giúp hành khách tiếp cận các ga metro một cách nhanh chóng.
Sau khi metro số 1 hoạt động chính thức, Sở GTVT sẽ phối hợp với các hãng xe công nghệ để tăng cường số lượng xe và điều phối hướng về các nhà ga.
Trao đổi với báo chí hồi tháng 10, ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam từng đánh giá việc triển khai nhanh chóng các công trình hạ tầng giao thông như sân bay, cao tốc, tàu điện metro... đang dần thay đổi cách người Việt Nam di chuyển hàng ngày.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các ứng dụng gọi xe như Grab để phát triển các dịch vụ hỗ trợ, như đưa người dân di chuyển đến các ga metro, sân bay, bến xe buýt...
Trên thực tế, bản thân ông Alejandro Osorio cũng đã có chuyến trải nghiệm trong thời gian metro số 1 vận hành thử nghiệm toàn tuyến mới đây.
Người dân được miễn phí vé đi metro số 1 và các tuyến xe buýt kết nối với metro trong 30 ngày đầu tiên vận hành thương mại. Ảnh: Duy Hiệu.
Tuyến metro số 1 dài gần 20 km được khởi công năm 2012 với tổng mức đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ ga Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), dự án hiện đã hoàn thành 100% khối lượng công việc và đang trong giai đoạn đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu trước khi chính thức đưa vào sử dụng.
Metro số 1 có giá vé lượt dao động từ 6.000 đến 20.000 đồng, tùy hình thức thanh toán và quãng đường di chuyển. Người dân cũng có thể lựa chọn các gói vé ngày với giá 40.000 đồng hoặc vé 3 ngày 90.000 đồng, không giới hạn lượt đi. Còn vé tháng sẽ là 300.000 đồng cho khách phổ thông và 150.000 đồng cho học sinh, sinh viên.
Dự kiến, trong thời gian 30 ngày đầu tiên vận hành thương mại, hành khách đi metro và các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 sẽ được miễn phí vé.
Sau thời gian này, TP.HCM dự kiến hỗ trợ 100% giá vé đi tàu metro và xe buýt kết nối cho các đối tượng chính sách như người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi (có người lớn đi kèm).
Song song với việc vận hành metro, Sở GTVT cũng đang thử nghiệm hệ thống thanh toán không tiền mặt trên 10 tuyến xe buýt khác nhau.
Dự kiến, hệ thống này sẽ được triển khai trên toàn bộ mạng lưới xe buýt có trợ giá vào đầu năm 2025, đồng bộ với các hệ thống thanh toán hiện đại khác để mang lại sự tiện lợi tối ưu cho hành khách.
Liên Phạm