Di chuyển vào tâm chấn động đất Mandalay

Di chuyển vào tâm chấn động đất Mandalay
một ngày trướcBài gốc
Việc di chuyển chỉ được phép vào ban ngày để đảm bảo an toàn khi đất nước này vẫn đang xảy ra xung đột quân sự, chỉ tạm “đình chiến” trong thời gian ngắn cho hoạt động cứu trợ.
Chuyến bay cuối cùng trong ngày của hãng Myanmar Airways International từ sân bay Nội Bài đáp xuống Yangon lúc 22h. Bốn ngày sau trận động đất lịch sử 7,7 độ, Yangon gần như là sân bay duy nhất của Myanmar hoạt động bình thường do cách tâm chấn khoảng 500km. Do vậy, đây là cửa ngõ duy nhất để tiếp nhận hàng hóa viện trợ cùng các đoàn cứu hộ, cứu nạn quốc tế đến Myanmar. Cùng với các đoàn cứu hộ, cứu trợ quốc tế, máy bay chở lực lượng cứu hộ của Việt Nam gồm 106 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cũng đáp xuống Yangon tối 30/3.
Lực lượng cứu hộ của Việt Nam đang tích cực tìm kiếm người sống sót tại bệnh viện ở Myanmar.
Đáp xuống sân bay với chúng tôi, tối nay có nhiều nhân viên thuộc lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và các nước. Đặc biệt có sự xuất hiện của các cán bộ, nhân viên kỹ thuật được Viettel cử sang tăng cường cho nhóm khôi phục mạng viễn thông MyTel đang hoạt động tại đây. Ngoài lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm, viễn thông cũng là ưu tiên hàng đầu khi nhiều khu vực tại Myanmar đang bị mất sóng, gây khó khăn cho thông tin liên lạc và công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trong bối cảnh đất nước đang xảy ra xung đột quân sự, chính quyền Myanmar đã thông báo tổ chức quốc tang và thống nhất với phe nổi dậy dừng hoạt động giao tranh trong hai tuần. Tuy vậy, các hoạt động cứu trợ, cứu nạn, cứu hộ của các đoàn quốc tế vẫn phải theo sự điều tiết của chính quyền. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam gồm 106 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an sang đây trước một ngày đều di chuyển về thủ đô Naypyidaw, cách sân bay Yangon khoảng 370km, cách thành phố Mandalay- nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất 270km.
Do chỉ được di chuyển vào ban ngày nên 3h sáng nay, nhóm phóng viên Đài Hà Nội mới di chuyển từ Yangon đến Naypyidaw và Mandalay. Theo phổ biến của trưởng đoàn, chúng tôi di chuyển bằng ô tô trên đường cao tốc dự kiến 15 tiếng để đến Mandalay, qua những đoạn đường đã bị hư hỏng và được thắt chặt an ninh do tình hình chiến sự. Phương tiện di chuyển của chúng tôi trong chuyến đi này là chiếc ôtô Honda BRV nội địa Nhật Bản, cũ nhưng rộng rãi thoải mái và quan trọng là mang theo được khá nhiều đồ đạc.
Quãng đường di chuyển từ Yangon tới thủ đô Naypyidaw có một số chỗ hư hỏng, bị nứt do ảnh hưởng của động đất.
Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất, được khánh thành cách đây 6 năm với bốn làn xe, chay qua khu vực đồng bằng và đồi núi, kết nối cố đô Yangon với thủ đô Naypyidaw. Theo quan sát của chúng tôi trên đường di chuyển, quãng đường di chuyển từ Yangon tới thủ đô Naypyidaw không quá khó khăn như thông tin đưa ra ban đầu, một số chỗ hư hỏng nhưng không quá nặng nề, một số đoạn đường bị nứt do ảnh hưởng của động đất nhưng không làm gián đoạn lưu thông. Chính quyền địa phương cùng các đoàn cứu hộ quốc tế đang khẩn trương khắc phục giao thông để các chuyến xe của các đoàn cứu trợ có thể tiếp cận sớm hơn với các vùng thiệt hại nặng nề, trong đó có thủ đô Nayvyidaw và thành phố Mandalay.
Trải qua 6 tiếng di chuyển, mặt trời lên cao, nắng mỗi lúc một chói chang, trút xuống những cánh đồng khô cằn một màu vàng cháy. Lẽ ra vào thời điểm này, người dân Myanmar đang rộn ràng chuẩn bị cho Thingyan – lễ hội té nước, vốn được ví như Tết truyền thống của họ. Năm nay lẽ ra sẽ càng đặc biệt hơn khi Thingyan vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Nhưng niềm vui ấy đã bị dập tắt. Không còn những chậu nước tươi mát, những tiếng cười rộn rã trên phố. Thay vào đó, là những khuôn mặt sạm nắng, lầm lũi tìm cách xoay sở để tiếp tục cuộc sống giữa bất ổn. Càng đi, cái nóng càng gay gắt. Không khí khô khốc, ngột ngạt. 11 giờ 30 phút, theo giờ Myanmar, dọc đường bắt đầu xuất hiện dấu tích của trận động đất: những ngôi nhà đổ nát.
Bệnh viện Ottara Thirri ở thủ đô Naypyitaw của Myanmar.
Trên quãng đường di chuyển, đoàn cũng gặp khá nhiều đoàn thiện nguyện của chính người dân Myanmar từ Yangon mang đồ cứu trợ cho đồng bào mình. Về tình hình người Việt đang sinh sống ở đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh MyTel ở Myanmar cho hay bước đầu ghi nhận chưa có thiệt hại vè người. “Tính mạng an toàn, nhưng một số người bị thiệt hại về chỗ ở và đang gặp khó khăn tại các khu vực tâm chấn”, ông Nghĩa nói. Mandalay nằm ở khu vực miền Trung, là thành phố lớn thứ hai ở Myanmar sau Rangon với khoảng 1,5 triệu dân. Hiện tại, có khoảng 20 người Việt đang sinh sống tại đây. Thành phố cách tâm chấn Sagaing (đới đứt gãy Sagaing kéo dài 1.200km theo hướng Bắc Nam) chỉ khoảng hơn 20km nên chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất lớn nhất ở Myanmar trong hơn 100 năm qua kể từ năm 1912.
Chúng tôi xác định phải di chuyển đến Mandalay trước khi trời tối bởi quy định của chính quyền, đồng thời cũng được khuyến cáo một số đoạn đường dài bị mất sóng do đang xảy ra giao tranh. “Tất cả các nhà mạng đều tắt sóng ở đoạn đường này”, người tài xế đưa chúng tôi đi nói. “Ở đó không điện, không nước và không có gì cả. Tất cả đều trong tình trạng đổ nát”.
Phóng viên Đài Hà Nội sẽ tiếp tục cập nhật công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của lực lượng quân đội và công an Việt Nam.
Đài Hà Nội
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/di-chuyen-vao-tam-chan-dong-dat-mandalay-318939.htm