'Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay'

'Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay'
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Ngược dòng lịch sử, quý độc giả còn nhớ ngày 4/12/1976 tuyến đường sắt Thống Nhất dài 1.730km chính thức khai thông sau 30 năm bị gián đoạn do chiến tranh (1936-1976). Và bài hát, đứa con tinh thần của Phan Lạc Hoa, do ca sĩ Thanh Hoa hát lần đầu vào năm 1977 đã ra đời trong bối cảnh vỡ òa niềm vui và hạnh phúc.
Dịp này, sau nửa thế kỷ non sông Việt Nam liền một dải, thính giả lại có dịp nghe nhiều lần bài hát ấy. Không những thế còn có dịp đi trên hai chuyến tàu Thống Nhất, một xuôi Nam, một ngược Bắc, gặp nhau ở ga Đà Nẵng vào lúc 12 giờ 40 ngày 30/4. Đôi tàu đặc biệt mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất”.
Đoàn tàu Thống Nhất được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Tối 29/4, tàu SE1 xuất phát từga Hà Nội lúc 20 giờ 55, tàu SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 19 giờ. Điểm gặp gỡ trưa ngày 30/4/2025 tại Đà Nẵng là nơi đại diện cho miền Trung. Điểm hẹn có vị trí gần vĩ tuyến 17 (Quảng Trị), từng là dấu mốc cách chia hai miền Nam - Bắc dằng dặc hơn 20 năm.
Tròn nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất, hai đoàn tàu đặc biệt gặp nhau ở đây tượng trưng cho sự kết nối bền vững hai miền xưa cũng như nay, đặc biệt là kết nối của hôm nay, khi cả nước đồng lòng tiến bước, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Được sống trong hòa bình, hạnh phúc, trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta càng trân trọng giá trị của hòa bình. Được biết, trong số 800 hành khách trên hai đoàn tàu này có những cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia vào các chiến dịch đầu năm 1975, kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng hành cùng họ còn có nhiều đại diện các gia đình có công với cách mạng, những người con của hậu phương lớn miền Bắc một thời đạn bom, một thời hào hùng.
Ngành Đường sắt đã có sáng kiến hay, từ nay đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mỗi một vé đặt mua thành công sẽ có một lá cờ đỏ sao vàng được hiển thị trên hệ thống bán vé. Điều lấp lánh sau quốc kỳ là mỗi chuyến hành hương cùng lịch sử là mỗi hành trình của tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc. Đây không chỉ là một hoạt động giao thông thông thường, mà còn là một hình ảnh đẹp, mang đậm tính biểu tượng của tinh thần hòa hợp, thống nhất Bắc - Nam.
Cùng với ý nghĩa lịch sử, sự kiện này cũng thể hiện tinh thần tri ân quá khứ, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự phát triển, kết nối và hội nhập của Việt Nam trong thời kỳ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia.
Chúng tôi đã gặp các cựu chuyến binh sẽ đi trên chuyến tàu đặc biệt này. Các cô bác, anh chị đều bày tỏ sự xúc động được trở lại chiến trường xưa, trở lại với không khí “bão nổi lên rồi” 50 năm trước. Ai cũng bùi ngùi nhớ về những năm kháng chiến, nhớ tới những bà má thân thương nuôi giấu các con trong hầm bí mật; nhớ những chiến sĩ giải phóng quân mũ tai bèo chân đất; nhớ giờ phút xe tăng của bộ đội ta tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập.
Những cảm xúc đó không chỉ là sự hoài niệm, mà còn là sự tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống để Tổ quốc được sống dậy, để hòa bình, thống nhất trở thành hiện thực và mãi mãi lâu bền.
“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay”... Chào miền Nam yêu dấu. Chào đất nước đang vượt khó, dũng cảm đi lên, vươn tầm cao mới. Con tàu ấy tự tin tiến về phía trước, không lỡ nhịp trước bước đi thần tốc của thời đại.
Hải Đường
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/di-doc-viet-nam-theo-banh-con-tau-quay-726743.html