Trong số những hiện vật bảo tàng này lưu giữ có bệ thờ Vân Trạch Hòa và chóp - bệ tháp Linh Thái đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia.
Hiện vật được đóng gói kỹ càng trước khi đưa lên xe chở đến nơi ở mới.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, công tác đóng gói hiện vật là một trong những việc quan trọng, đặt lên hàng đầu trong quá trình di chuyển hiện vật. Vì thế phải tính toán, sử dụng chất liệu phù hợp để đóng gói từ trong ra ngoài sao cho tạo độ chắc chắn và an toàn, đảm bảo cho quá trình di chuyển.
“Để đảm bảo tính khoa học và tuân thủ nguyên tắt của bảo tàng học, đơn vị đã mời chuyên gia từ Hà Nội vào tập huấn cho toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động về sử dụng vật liệu, thiết bị bổ trợ và quy trình đóng gói”, ông Nguyễn Đức Lộc cho hay.
Nhiều hiện vật quý hiếm được di dời hết sức cẩn thận nhằm tránh vỡ, hư hỏng.
Đối với hiện vật nặng, thể khối lớn cũng có phương án đóng gói riêng và phối hợp với đơn vị vận chuyển có uy tín để đảm bảo an toàn cho hiện vật trong quá trình di chuyển đến địa điểm mới. Riêng trường hợp đối với các bảo vật quốc gia, hiện vật cồng kềnh như mỏ neo, thuyền độc mộc…, bảo tàng đã chuẩn bị các vật dụng nhằm chống sốc để bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Hơn 32.000 hiện vật lần lượt được di chuyển đến địa điểm mới để trả lại nguyên trạng di tích Quốc Tử Giám.
Để đảm bảo cho quá trình di chuyển hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cũng nhờ sự hỗ trợ của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… hỗ trợ dẫn đường để xe chở hiện an toàn, thuận lợi và không gây ảnh hưởng cho người tham gia giao thông. Dự kiến, việc di chuyển khối lượng lớn hiện vật này sẽ kéo dài đến giữa tháng 11/2024 nếu thời tiết thuận lợi.
Trường Quốc Tử Giám được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 2004
Sau khi hoàn tất việc di dời, di tích Quốc Tử Giám sẽ được bàn giao lại nguyên trạng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, khai thác để phát huy hiệu quả.
Được biết, di tích Quốc Tử giám ở Huế được xây dựng từ thời Vua Gia Long, tại địa phận làng An Ninh Thượng nay thuộc phường Hương Hồ (TP Huế). Lúc đầu, Trường ốc còn đơn giản, qua thời Vua Minh Mạng, người đi học ngày càng đông, quy mô của trường được mở rộng. Vì trường ở hơi xa kinh thành, nên năm 1908, triều đình cho dời về gần bên trái Đại Nội.
Di Luân Đường- khu vực chính của di tích Quốc Tử Giám.
Trường Quốc Tử Giám nằm trên một thửa đất khá rộng, mặt bằng kiến trúc chia làm hai khu vực. Giữa khu vực chính (ở trước) là Di Luân Đường. Giữa khu vực phụ phía sau là Tân Thơ viện (thư viện của trường).
Đối tượng được theo học ở Trường Quốc Tử Giám bao gồm: Tôn sinh (con em trong Hoàng tộc), Ấm sinh (con các đại thần trong triều), học sinh (các thanh niên thông minh tuấn tú trong cả nước), các tú tài, cử nhân đã đỗ kỳ thi Hương ở các tỉnh.
Quốc Tử Giám là một cơ quan giáo dục cấp Nhà nước được tổ chức tương đối có kỷ cương với những công trình kiến trúc bề thế mang giá trị nghệ thuật cao. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa rất quý, cần được tôn tạo, bảo dưỡng. Di tích Quốc Tử Giám đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).
Hải Lan