Đi lễ chùa đầu năm: Gửi ước vọng, hướng thiện tâm

Đi lễ chùa đầu năm: Gửi ước vọng, hướng thiện tâm
4 giờ trướcBài gốc
Những ngày đầu năm, người Việt có thói quen đi lễ chùa, đền để cầu may, cầu phúc cho bản thân, gia đình.
Bên nén hương trầm nghi ngút, mỗi người lặng lẽ gửi gắm những ước vọng đầu xuân. Đó có thể là mong cầu sức khỏe, bình an, sự nghiệp hanh thông, tài lộc dồi dào hay đơn giản là một năm thuận hòa, ít lo toan.
Gửi gắm ước vọng
Sau giao thừa, anh Tăng Đức Thịnh (TP.HCM) có thói quen cùng gia đình đi lễ chùa. Với anh, đây không chỉ là phong tục truyền thống mà còn là khoảnh khắc thiêng liêng giúp cả gia đình cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp trong năm mới.
Sau giao thừa, anh Tăng Đức Thịnh cùng gia đình đi lễ chùa đầu năm.
“Tôi thành tâm khấn nguyện cho cha mẹ mạnh khỏe, gia đình luôn hòa thuận, sung túc. Tôi cũng mong công việc suôn sẻ, mọi dự định được hanh thông và cuộc sống tràn đầy niềm vui” – anh Thịnh nói.
Với anh Thịnh, năm mới không chỉ cần tài lộc mà quan trọng hơn là sự bình an, hạnh phúc trong từng khoảnh khắc bên những người thân yêu. Chính vì thế, việc đi chùa đầu năm đã trở thành thói quen không thể thiếu, giúp anh khởi đầu năm mới với niềm tin và hy vọng trọn vẹn.
Chị Lê Thu Hằng, sống tại Biên Hòa, chia sẻ rằng mỗi năm, chị đều đi lễ chùa vào mùng Một hoặc mùng Hai Tết.
“Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là phong tục mà còn giúp tôi tĩnh tâm, gửi gắm những mong ước chân thành cho bản thân và gia đình” - chị Hằng nói.
Nói về những điều ước vọng, chị Hằng cho biết chị không mong gì cao sang, chỉ mong cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống vui bên con cháu. Chị cũng cầu cho công việc được thuận lợi, suôn sẻ, để có thể chăm lo tốt hơn cho gia đình. Đặc biệt, chị mong con trai của mình học hành tấn tới, ngoan ngoãn, trưởng thành trong sự yêu thương và dạy dỗ của bố mẹ.
Không chỉ cầu cho gia đình, chị Hằng còn gửi gắm những lời nguyện mong mọi người xung quanh đều gặp may mắn, tránh được bệnh tật, buồn lo.
“Tôi tin rằng khi mình sống chân thành, tích cực, mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến. Đi chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin mà còn để nhắc nhở bản thân sống thiện lành, bình an và biết trân trọng những gì đang có” - chị Hằng gửi gắm về một năm mới tốt lành.
Người dân thành kính dâng hương, gửi ước vọng về một năm mới trọn vẹn. Ảnh: QUANG VINH.
Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt
ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, cho biết đi lễ chùa, đền vào dịp đầu năm là truyền thống văn hóa tâm linh quan trọng của người Việt, thể hiện lòng kính trọng với thần linh, tổ tiên và niềm tin vào sự may mắn, an lành. Đây cũng là dịp để mọi người gửi gắm những ước nguyện về một năm mới thuận lợi, hanh thông.
Những lời cầu nguyện đầu năm thường xoay quanh mong muốn sức khỏe dồi dào, gia đình bình an, sự nghiệp thăng tiến, phát tài phát lộc. Người Việt cũng ước mong cho quê hương yên bình, đất nước phát triển, mưa thuận gió hòa.
“Các thế hệ có sự khác biệt trong nguyện ước: Người trẻ quan tâm đến sự nghiệp, học hành, tình duyên, trong khi thế hệ lớn tuổi mong con cháu hạnh phúc, thành đạt. Người nông dân cầu mùa màng bội thu, còn người kinh doanh mong buôn bán thuận lợi” – ThS Mãi nói.
ThS Mãi cho rằng lối sống đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự thay đổi của công nghệ ít nhiều ảnh hưởng đến phong tục đi lễ chùa, đền đầu năm của người Việt. Một bộ phận vẫn duy trì thói quen đi lễ, tham gia các hoạt động truyền thống, chia sẻ những hình ảnh cùng gia đình, người thân, người yêu đi lễ chùa trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi đó một số khác có xu hướng lễ bái trực tuyến hoặc tham gia lễ chùa qua các phương tiện truyền thông.
“Dù có những thay đổi nhưng đi lễ chùa, đền vẫn là một hoạt động truyền thống không thể thiếu và được duy trì tiếp nối mạnh mẽ trong dịp đầu năm và ngày lễ lớn” – ThS Mãi nhấn mạnh.
Lễ chùa đầu năm còn là dịp kết nối cộng đồng, giúp gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gắn kết, chia sẻ những điều tốt đẹp. Dù có những thay đổi theo thời đại, truyền thống này vẫn được gìn giữ và tiếp nối, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Cầu an đúng cách
Sau giao thừa, người Việt thường đi chùa, đền để thắp hương, cầu an, cầu lộc. Mỗi người có mong cầu riêng, nhưng đều hướng đến một năm mới hanh thông, hạnh phúc. Ngoài ra, họ còn xin chữ, câu đối, gieo quẻ, xin xăm để cầu may và nhắc nhở bản thân sống tích cực.
Với giới trẻ, lễ chùa đầu xuân không chỉ để cầu nguyện mà còn là dịp thưởng ngoạn, cảm nhận sự thanh tịnh và tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tâm linh, vẫn tồn tại không ít người hiểu sai bản chất của việc lễ chùa, dẫn đến những biểu hiện mê tín dị đoan.
Một số người tin rằng chỉ cần dâng sao là có thể giải hạn, hay lễ càng lớn thì càng được phù hộ, nên không ngại chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để làm lễ cúng bái, mời thầy cúng, đốt vàng mã tràn lan. Có người đi chùa lại nhét tiền lẻ vào tượng Phật, gốc cây, giếng nước với suy nghĩ “không nhận cũng phải nhận”, làm sai lệch ý nghĩa của việc công đức.
TS Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.
Theo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo lý nhà Phật không có lễ dâng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an, do đó việc dâng sao giải hạn tại chùa là không đúng với giáo lý nhà Phật.
Từ năm 2019, Bộ VH-TT&DL cũng có văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị có biện pháp chấn chỉnh, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Muốn có một cuộc sống bình an, trước hết mỗi người phải tự nỗ lực tu dưỡng bản thân, sống thiện lành, tránh xa sân si, phiền não. Không có vị Phật nào ban cho chúng ta giàu sang nếu bản thân ta không chăm chỉ lao động. Không có Phật nào giúp ta hạnh phúc nếu ta không biết bao dung, yêu thương. Cũng không có Phật nào mang lại sức khỏe nếu ta không biết tự rèn luyện, chăm sóc bản thân.
Vì vậy, biến tín ngưỡng thành mê tín, buôn thần bán thánh là điều cần lên án và bài trừ. Hãy để việc lễ chùa đầu năm thực sự là một nét đẹp văn hóa, giúp con người hướng thiện, sống tích cực và bình an hơn trong tâm hồn.
TS Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.
THẢO HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/di-le-chua-dau-nam-gui-uoc-vong-huong-thien-tam-post832382.html