Video CSGT xử lý nhiều xe máy đi lên vỉa hè tại nút giao thông Giải Phóng – Trường Chinh – Đại La sáng 16/4:
Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp điều khiển xe máy đi lên vỉa hè tại khu vực Giải Phóng – Trường Chinh – Đại La sáng 16/4.
Sáng 16/4, tại nút giao Giải Phóng – Trường Chinh – Đại La, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) tổ chức xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào hành vi điều khiển xe máy đi lên vỉa hè – tình trạng phổ biến nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng đến người đi bộ.
Theo đó, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng, 10 trường hợp điều khiển xe máy đi lên vỉa hè đường Đại La (hướng Đại La đi Giải Phóng) đã bị lập biên bản vi phạm. Tất cả đều chung những lý do như: vội, tắc đường, hoặc "chỉ lấn một đoạn".
"5 triệu? Tôi chạy xe ôm cả tháng chưa chắc kiếm nổi!" – tài xế công nghệ biển kiểm soát 29-E2 867XX bất ngờ thốt lên sau khi nghe cán bộ Cảnh sát giao thông đọc mức xử phạt theo Nghị định 168/2024 với hành vi đi lên vỉa hè của mình.
Tài xế leo vỉa hè đường Đại La để rẽ vào Giải Phóng bị xử lý trong sáng 16/4, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ đã có 10 trường hợp bị lập biên bản.
Trường hợp khác, một thanh niên điều khiển xe máy biển kiểm soát 21-B1 755XX phân trần rằng do sợ muộn giờ chấm công nên mới "vượt vội lên vỉa hè một đoạn cho nhanh". Nhưng đoạn "cho nhanh" ấy khiến anh vừa bị phạt 5 triệu đồng, thậm chí cũng không kịp chấm công buổi sáng.
Điều đáng nói, 8/10 trường hợp người bị xử lý lỗi đi lên vỉa hè sáng 16/4 đều không nắm được quy định mới trong Nghị định 168/2024, có hiệu lực từ tháng 1 năm nay. Theo đó, hành vi điều khiển xe máy đi trên hè phố bị xử phạt 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao gấp nhiều lần so với trước đây, thể hiện sự quyết liệt trong việc lập lại trật tự đô thị, trả lại không gian cho người đi bộ.
Tài xế xe ôm công nghệ là những đối tượng vi phạm chiếm đa số, hầu hết đều lấy lý do vội chở khách, chở hàng,...
Một cán bộ tổ công tác cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền qua nhiều hình thức. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không theo dõi, hoặc chủ quan cho rằng lực lượng chức năng sẽ chỉ nhắc nhở. Trong khi đó, vỉa hè ngày càng bị lấn chiếm, từ bán hàng rong đến xe máy chạy như đường chính, rất nguy hiểm".
Theo ghi nhận, tại khu vực nút giao Giải Phóng – Trường Chinh – Đại La, tình trạng xe máy leo vỉa hè để vượt qua đoạn ùn tắc không phải hiếm. Một số thời điểm, gần như toàn bộ vỉa hè bị "nuốt chửng" bởi dòng xe máy chạy xen giữa người đi bộ, khiến nhiều người phải bước xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn.
Nhiều người viện đủ lý do cho hành vi đi xe máy lên vỉa hè, có người cho rằng chỉ leo lên 1 đoạn không đáng bị xử phạt 5 triệu. Tuy nhiên mọi trường hợp vi phạm đều được lực lượng chức năng giải thích và kiên quyết xử lý.
Theo đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 4, việc xử phạt hành vi đi xe máy lên vỉa hè được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 168/2024.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm luật, tuyệt đối không điều khiển xe máy đi lên vỉa hè. Đây là hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi bộ và ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Mức phạt hiện nay đã tăng cao, vì vậy người dân cần chủ động cập nhật để tránh vi phạm không đáng có", vị này nói.
Tính đến tháng 4/2025, sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình giao thông tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn, người chết và bị thương đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, thực tế đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "nhờn luật" trong một bộ phận người tham gia giao thông, với các hành vi như vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều vẫn xảy ra thường xuyên.
Như vậy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP dù đã mang lại những kết quả tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn và vi phạm giao thông. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy hiệu quả của nghị định, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân trong việc chấp hành pháp luật giao thông.
CSGT xử lý xe quá khổ, quá tải khu vực cầu Nhật Tân.