Người dân mua hoa mai về đón Tết.
Hoa cúc ngày Tết.
Dạo này ở những khu dân cư thường phát sinh ra các chợ chỉ nhóm vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng, rồi tan nhanh, để lại khoảng không gian rất vắng. Chợ nhà quê ở các thôn xóm họp có khi tới 9 giờ sáng đã không còn người bán kẻ mua. Chợ Việt Nam là mô hình vô cùng độc đáo, ở nơi người bán thách lên một tí, người mua trả giá là thú vui. Đôi khi mua bó rau nhón xin thêm trái ớt, có lúc dừng lại nói đủ thứ chuyện trên đời. Cái tục ngày xửa ngày xưa, người phụ nữ đi chợ thường ghé hàng ăn, ăn món mình thích vẫn còn duy trì cho mãi đến hôm nay, nên chợ nào cũng có những hàng ăn nho nhỏ. Nhà có con nhỏ, trong giỏ đi chợ về có thêm dăm chiếc bánh, bịch chè gọi là “quà chợ” để tụi nhỏ xúm xít lấy ra, ăn.
Để rồi từ rằm tháng chạp, chợ thành chợ Tết. Chợ chộn rộn cho đến tận ngày 30 tháng chạp, bán níu cho đến tối, dẫu trên loa của Ban quản lý chợ cứ thông báo liên tục là phải dọn hàng sớm để còn thu dọn rác. Những người buôn bán luôn trông mong vào phiên chợ Tết để tăng thêm thu nhập, cho nên chợ đôi khi tận tối 30 Tết mới tan. Chợ Tết ở quê đôi khi ở trong một bãi đất trống, nơi cả năm vắng vẻ nay bỗng rộn ràng, có khi những đoàn xiếc nhỏ cũng về biểu diễn, những gian hàng ngồ ngộ xuất hiện đôi khi bán những thứ… mang ra từ vườn nhà. Chợ Tết thơm phức các gian hàng bán quần áo mới, cha mẹ đưa con đến lựa mua, rồi đem về cất lại, đợi đến sáng mồng Một Tết mới mặc đón chào năm mới. Chợ bán cả nụ cười vì ai cũng ngọt ngào như thể đã quen nhau.
Chợ Tết cũng xuất hiện ở một không gian mở trước chợ cũ, chủ yếu bán các mặt hàng “chỉ Tết mới có” như các loại hạt, các loại mứt, trái cây chưng Tết, bánh Tết và các loại bánh in đa dạng để chưng lên bàn thờ. Chợ Tết chộn rộn với các hàng thức ăn rất Tết như lá dong, lá chuối, gạo nếp để gói bánh. Bán các loại quả chưng Tết được nhập về từ nhiều nơi như dưa hấu Gò Công, trái Phật thủ từ các tỉnh phía Bắc, bưởi mang từ các địa danh đã thành thương hiệu, luôn cả những cành đào, chậu quất mang từ phương Bắc... Các hàng ngày thường buôn bán rất vắng vẻ, Tết chộn rộn hẳn ra. Đôi khi đi chợ Tết là cái thú để ngắm nhìn, để đi dạo và để nghe được mùi Tết. Đi chợ Tết để tận hưởng cảm giác mỗi năm mới có một lần, chọn mua trong tiếng mời chào, tiếng trả giá...
Chợ Tết là các con phố rộng ngày thường chỉ là những chuyến xe qua, nay biết bao nhiêu chậu hoa mai bung vàng một góc trời, là hoa cúc rực rỡ mời gọi, đến cả những giàn hoa lan, những cây cảnh rất lạ và những cây quất trĩu trái, những chậu bonsai dáng đẹp đợi người đem về chưng Tết. Có những gian hàng “có gì bán nấy” rất lẻ loi ở một góc đường như trái sung, lá chuối, bánh tét, bánh chưng và đôi khi là những loại trái cây vừa hái ở vườn nhà, đem ra đợi khách.
Chợ Tết chẳng phân biệt giàu nghèo, người mua cái này, kẻ mua cái nọ - bỏ lại sau lưng vô vàn chật vật, vào chợ chọn mua hủ dưa kiệu, dăm ký thịt, con gà, măng khô, bị mứt… về thành Tết. Những chuyến xe rời chợ như mang Tết từ chợ về căn nhà của mình.
Đêm 30 Tết, một chợ khác xuất hiện, chợ của những niềm vui của người này và là cuộc mưu sinh của người kia. Chuẩn bị từ tháng trước, những chiếc xe bong bóng với những chiếc bong bóng hình con linh vật của năm bắt đầu ra phố. Ở Nha Trang, các khu bán bong bóng tập trung chủ yếu ở Quảng trường 2-4 trên đường Trần Phú, vì đây là nơi mọi người tụ họp vui chơi, xem ca nhạc đón giao thừa và đợi xem pháo hoa đêm giao thừa. Những hàng bong bóng cũng tập trung ở ngã sáu Nhà thờ, khu Trung tâm văn hóa, Tháp Bà… Ngoài bong bóng, các hàng bán mía lấy lộc, bán phong bao lì xì, bán cả thức ăn đêm trên các xe đẩy cũng vào cuộc mưu sinh.
Chợ Tết chấm dứt vào đêm 30 Tết, trả lại cho chợ những gian hàng tạm đóng cửa, trả lại cho cuộc sống những ngày Tết vui vẻ. Chợ Tết đã và mãi mãi là một nét văn hóa đẹp đối với chúng ta.
Khuê Việt Trường