Đi qua ngày mưa…

Đi qua ngày mưa…
một ngày trướcBài gốc
Chị Nguyễn Thị Mạo soạn thảo văn bản trên máy tính.
Cuộc gặp gỡ "duyên định"
Nguyễn Thị Mạo rót nước mời khách. Chị, một người phụ nữ khiếm thị, năm nay 47 tuổi. Trên bức tường trong căn phòng nhỏ, là những tấm hình của chị chụp cùng con gái. Những bức ảnh đánh dấu sự trưởng thành của con, từ lúc hãy còn nhỏ cho đến nay, khi con đã trở thành nữ sinh lớp 11.
Cũng như bao phụ nữ khác, chị Mạo cũng khao khát yêu và được yêu. Nhưng với một người khiếm thị như chị thì khao khát ấy càng gấp nhiều lần. Nếu nói về câu chuyện tình yêu của chị, tôi nghĩ, đó là một chuyện tình lãng mạn, đẹp và buồn. Không thể hình dung là tình yêu của chị lại “chớm nở” trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây 21 năm.
Trước đó, vào năm lớp 9, một vụ tai nạn đã khiến đôi mắt chị vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng, khép lại bao mơ ước hãy còn dang dở, bao hy vọng về một tương lai tươi đẹp bỗng vời xa... Nhưng, Nguyễn Thị Mạo đã đứng dậy, can đảm với cuộc hành trình trong bóng tối. Chị tiếp tục học lên THPT, ở đó, chị - một người khiếm thị ngồi học giữa những người mắt sáng.
Về sau này, chị trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, tham gia dạy chữ braille (chữ nổi) cho người mù. Sự vượt khó, nghị lực và niềm tin của Nguyễn Thị Mạo - một cô giáo khiếm thị đã làm lay động nhiều người lúc bấy giờ. Điều đặc biệt, chị trở thành nhân vật được nói đến trong một bài báo và đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 2004. Khi đấy, Nguyễn Thị Mạo 26 tuổi. Chị nhớ lại: “Đã có nhiều người nghe chương trình đấy, trong số đó có anh - bố của con gái tôi sau này. Anh cũng là một người khiếm thị, quê ở miền trong, cách Thanh Hóa gần 700km. Qua chương trình, anh đã làm quen với tôi bằng cách liên lạc qua số điện thoại cơ quan. Tình yêu đã đến với chúng tôi như thế. Một năm sau đó, anh tìm về địa chỉ nơi tôi làm việc. Chúng tôi đã gặp nhau, bằng xương, bằng thịt chứ không phải bằng giọng nói qua điện thoại nữa...”.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 con người khiếm thị cũng thật đặc biệt. Bắt đầu từ giọng nói quen thuộc lâu nay trên điện thoại để phát ra tín hiệu... người quen. Sau đó, để tiếp tục nhận diện, anh sờ mái tóc, lần nắm đôi bàn tay chị trước sự chứng kiến của nhiều người. Giọng anh rưng rưng, thầm thì: “Em đẹp hơn anh tưởng tượng rất nhiều”. Còn chị, lúc đấy vẫn để tay mình trong tay anh, mỉm cười hạnh phúc.
Và sau đó, cứ tháng 1 lần, anh lại ra thăm chị. Khi tình yêu, tình thương đã đủ lớn, 2 người quyết định đi đến một đám cưới nhưng không... đăng ký kết hôn. Chị Nguyễn Thị Mạo kể lại: “Lúc đấy, chỉ có mình gia đình tôi đồng ý còn gia đình anh lại rất phản đối việc chúng tôi đến với nhau. Vì nếu 2 con người cùng khiếm thị lấy nhau thì sẽ muôn vàn khó khăn ở cuộc sống sau này. Đấy cũng là lý do khiến chúng tôi dù tổ chức cưới nhưng không đăng ký kết hôn, có lẽ một phần tôn trọng ý kiến từ gia đình anh”.
Trách nhiệm người ở lại
Tháng 6/2006, đám cưới của chị Nguyễn Thị Mạo đã diễn ra mà đại diện nhà trai chỉ mình chú rể. Sau đám cưới, 2 anh chị lại mỗi người mỗi nơi, anh vẫn trong Nam còn chị vẫn ngoài Bắc. Và phải đến 2 năm sau, vào năm 2008, chị Mạo mới có bầu. Ngày chị “vượt cạn”, không có chồng ở bên. Cũng trong năm này, trong một lần ra gặp chị, anh đã có một đề nghị mà nghe xong, chị... “chết lặng”. Anh xin chị đi lấy vợ khác. Chị Mạo nhớ lại: “Người tôi lúc đấy bỗng run lên, nước mắt cứ chực chảy mà không thể khóc. Phải một lúc sau, tôi mới có thể trấn tĩnh và đồng ý với quyết định của anh. Tôi nghĩ, bản thân không nhìn thấy, lại ở xa nên khó mang lại hạnh phúc. Vì vậy, tôi đành “lùi” lại một bước và chấp nhận với cuộc sống của mẹ đơn thân. Lúc đấy, tôi cũng không chia trách nhiệm cho anh trong việc chăm sóc con. Còn tình cảm bố con là không thể cấm. Bố của con thì không ai thay được vì chính mình lựa chọn bố cho con. Tôi tôn trọng tình cảm bên nội. Vì vậy, anh vẫn ra thăm con và sau này, khi lớn, con vẫn vào chơi với gia đình của bố...”.
Một buổi dạy học Tiếng Việt bằng chữ braille (chữ nổi) cho học sinh lớp 2 ở Hội Người mù tỉnh của cô giáo Nguyễn Thị Mạo.
Hạnh phúc - tình yêu lại “như sương như mưa lại như gió”. Một chuyện tình tưởng đã rất đẹp nhưng lại thấm đẫm nỗi buồn. Nhưng đằng sau đó, là một nghị lực sống, là niềm tin, rằng: “Được làm mẹ đã là may mắn. Con là món quà vô giá. Có con là có động lực. Vì vậy, tôi phải cố gắng bằng mọi cách để nuôi con chứ không có chờ đợi vì bố của con cũng là người khuyết tật. Chỉ tiếc, đã có tình cảm thế rồi mà cuối cùng thì...”.
17 năm trôi qua. 17 năm, chị Mạo làm mẹ đơn thân. Một người bình thường chăm con đã khó, với người mẹ khiếm thị thì càng khó gấp nhiều lần, như chị chia sẻ: “Tập cho con bú, tôi đều sờ bằng tay. Một ngón tay sờ vào đầu ti, một ngón tay sờ vào miệng con, rồi đưa ti vào miệng bé... Con lên lớp 1, tôi loay hoay không biết dạy con thế nào, không biết con viết đẹp, xấu ra sao... Tôi chỉ có thể giúp con làm phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10, bằng cách cầm lấy bàn tay con hoặc dạy con đọc bằng cách ghép chữ. Việc học của con, tôi không đồng hành được nhiều...”.
Đồng cảnh với chị Mạo, ở Hội Người mù tỉnh có khoảng 400 mẹ khiếm thị đơn thân, ngoài ra còn có khoảng 350 cặp vợ chồng khiếm thị. Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh đã chia sẻ rằng: “Làm mẹ khiếm thị đã là điều đặc biệt, mẹ khiếm thị đơn thân còn đặc biệt hơn, bởi gánh nặng áp lực về tâm lý, tinh thần vô cùng lớn. Nhưng, rất mừng là ai cũng vững vàng đứng dậy để tiếp tục làm việc, tiếp tục làm tròn trách nhiệm của một người mẹ”.
Riêng đối với chị Mạo, việc làm mẹ khiếm thị đơn thân, lúc đầu, có thể chị vẫn chưa hình dung được điều này vì nó đến quá bất ngờ. Bắt đầu từ câu chuyện tình yêu của chị, lãng mạn như thế... Tiếp đó, sau những tháng ngày chờ đợi, đứa con ra đời. Tất cả đều đang rất đẹp nhưng tiếc là, tình yêu của chị đã không trọn vẹn, như chị đã từng ngậm ngùi: “Sau những đổ vỡ, tôi cảm thấy bản thân còn may mắn vì có tổ chức hội, có việc làm để dũng cảm làm mẹ đơn thân. Nếu nhìn lại, giá như ngày đó, 2 vợ chồng vì nhau nhiều hơn hoặc anh ra Bắc cùng tôi hoặc tôi vào Nam xây dựng cuộc sống cùng anh thì mọi việc, chắc đã khác...”.
Ngã rẽ hôn nhân, rất nhiều lý do. Đến được bên nhau cũng là duyên, không tiếp tục cùng nhau cũng bởi phận. Trách nhiệm của người ở lại là tiếp tục sống, tiếp tục làm việc và tiếp tục nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Tương lai ở phía trước và lối đi ngay dưới chân mình...
Bài và ảnh: Bằng An
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/di-qua-ngay--36450.htm