Thật ra khi còn thi đấu, Nadal đã để lại cho quần vợt thế giới (QVTG) tay vợt nam từng xếp số 2 thế giới Casper Ruud (hiện nay xếp thứ 6), người đã từng được đào tạo tại Học viện Nadal ở Tây Ban Nha. Nhưng Ruud không là sản phẩm duy nhất của “lò Nadal”.
Miami Open 2025 với hiện tượng Eala
Miami Open - giải Master 1000, năm nay bùng nổ với hiện tượng vừa trẻ, vừa mới lại vừa bất ngờ tỏa sáng rực rỡ. Nếu như bên nam tay vợt 19 tuổi Jakub Mensik vô địch sau khi đánh bại “siêu nhân” Djokovic trong trận chung kết, thì bên nữ nổi lên tay vợt cũng 19 tuổi người Philippines Alexandra Eala.
Nadal và Swiatek trong ngày trao bằng tốt nghiệp cho Eala
Cho dù câu chuyện cổ tích của Eala chỉ viết đến bán kết là kết thúc, nhưng với chiến tích tạo nên 3 cơn địa chấn, thắng cả 3 đối thủ từng vô địch Grand Slam là điều không tưởng mà Eala dành cho tất cả mọi người.
Đầu tiên là Eala loại nhà vô địch Pháp mở rộng 2017 Jelena Ostapenko để trở thành tay vợt Philippines đầu tiên thắng được một đối thủ trong Top 30 thế giới kể từ khi WTA ra đời bảng xếp hạng từ năm 1975.
Sau đó Eala thắng tiếp tay vợt chủ nhà người Mỹ Madison Keys, đương kim vô địch Úc mở rộng, và ở tứ kết Eala lại tiếp tục vượt qua Iga Swiatek từng là số 1 thế giới, người đã sở hữu 5 danh hiệu vô địch Grand Slam và hiện xếp thứ 2 WTA.
Thế là người hâm mộ mới tìm hiểu Eala là ai?
Từng đoạt 3 huy chương đồng tại SEA Games 2022 tại Việt Nam
Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Eala đã đem về cho Philippines 3 huy chương đồng ở các nội dung đơn, đôi nam nữ, đồng đội tại SEA Games 2022 tổ chức vào tháng 5 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ hơn 3 tháng sau, Eala đã vô địch giải trẻ Mỹ mở rộng để bắt đầu mở ra con đường rộng mở cho tương lai: huy chương đồng Á vận hội 2023 sau khi thua Zheng Qinwen - người sau đó đoạt huy chương vàng - ở bán kết. Và giờ đây, sau khi thăng hoa ở Miami Open 2025, Eala đã vươn lên hạng 72 WTA và trở thành tay vợt Philippines đầu tiên vào Top 100 thế giới.
Eala với 3 huy chương đồng SEA Games 2022 tại Việt Nam
Eala cũng gây chú ý khi tuyên bố không tham dự SEA Games 2023 tổ chức ở Campuchia vì Eala muốn tập trung con đường chuyên nghiệp với lý do thời gian diễn ra SEA Games 2023 trùng thời gian diễn ra giải Pháp mở rộng.
Ở tuổi 12, với chức vô địch Les Petits As 2018, bước ngoặt cuộc đời cầm vợt của Eala đã mở ra khi Eala nhận được học bổng từ Học viện Nadal tại Tây Ban Nha. Tuổi 13, Eala đã phải rời xa gia đình để theo đuổi niềm đam mê, để rồi giờ đây Eala đã là niềm tự hào của đất nước Philippines hơn 110 triệu dân, đồng thời cũng là niềm tự hào của Học viện Nadal bởi ngay chính Nadal cũng đã gửi lời chúc mừng Eala sau những gì Eala thể hiện tại Miami Open.
Càng thú vị hơn trong ngày tốt nghiệp học viện, chính Nadal và Swiatek đã cùng trao bằng tốt nghiệp cho Eala, và có lẽ ít ai ngờ rằng: Eala lại có ngày thắng được Swiatek!
Giấc mơ Nadal đã thành hiện thực
Khi còn thi đấu đỉnh cao, Nadal đã sớm chuẩn bị cho chuỗi ngày dài sau khi giải nghệ. Đến khi Nadal chính thức chia tay quần vợt thế giới, anh từng nói với mọi người rằng anh cùng Federer có dự tính để lại di sản cho môn thể thao này. Di sản đó là gì? Cho đến nay khi Nadal đã giã từ gần nửa năm, thì vẫn còn là dấu hỏi, nhưng với riêng Nadal, tâm nguyện của anh khi xây dựng nhiều học viện quần vợt đào tạo các tài năng trẻ cho đời đã trở thành hiện thực.
Eala tại Miami Open 2025 (trái) và Eala cùng Nadal trong nhưng ngày tháng ở học viện
Học viện quần vợt tại Mallorca là học viện đầu tiên Nadal xây dựng vào năm 2016 và là học viện quy mô bậc nhất Tây Ban Nha. Sau đó Nadal còn xây dựng thêm các học viện ở Cancun, Hy Lạp, Kuwait, Hong Kong.
Nadal giàu có, theo bảng xếp hạng tiền thưởng ATP, Nadal đã kiếm được 134,9 triệu USD, ngoài ra Nadal còn kiếm thêm không ít từ những hợp đồng quảng cáo, giúp tài sản của anh đạt khoảng 225 triệu USD.
Thế nhưng, Nadal đâu chỉ kiếm tiền từ quần vợt mà anh còn thêm doanh thu từ những khoản đầu tư vào lĩnh vực khách sạn khi hợp tác với nguyên huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha Julen Lopetegui. Ngoài ra Nadal còn đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng cùng Cristiano Ronaldo, Pau Gasol và ca sĩ Enrique Iglesias. Cùng với vợ là Mery Perello, Nadal cũng tạo ra một dòng nước hoa được phân phối bởi thương hiệu nổi tiếng Henry Jacques (Pháp), mỗi chai giá hơn 40.000 euro. Đó là chưa tính Nadal còn đầu tư vào truyền hình và anh là một trong những cổ đông chính của công ty sản xuất truyền hình Komodo, công ty chịu trách nhiệm tạo ra các hit trên Netflix.
***
Tuy nhiên, ngoài tiền bạc, danh vọng, tâm huyết của Nadal vẫn là những học viện, nơi anh hy vọng sẽ đào tạo ra những ngôi sao quần vợt hàng đầu thế giới. Đây mới là một di sản đáng quý để lại cho đời của “Pháo đài bất khả xâm phạm” - một biệt danh khác của... vua Rafa!
Đặng Hoàng