Di sản hội ngộ, kể chuyện nghìn năm

Di sản hội ngộ, kể chuyện nghìn năm
8 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu và công chúng tham quan bảo vật quốc gia, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Đây không chỉ là dịp đặc biệt để công chúng chiêm ngưỡng những “báu vật” quý hiếm, mà còn mở ra cơ hội tìm hiểu về chiều sâu văn hóa – lịch sử của vùng đất phương Nam qua nhiều thời kỳ, từ cổ đại đến hiện đại.
Từ trưng bày đến lan tỏa văn hóa
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, trước đây, các bảo vật này từng được giới thiệu riêng lẻ trong các trưng bày nhỏ. Lần này, tất cả được tập hợp lại trong một chuyên đề, giúp người xem hình dung đầy đủ và có hệ thống về tiến trình văn hóa, nghệ thuật của thành phố và đất nước.
Các bảo vật có niên đại trải dài, phong phú về chất liệu và phong cách, tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, từ văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa đến thời Nguyễn, hiện vật cách mạng và các tác phẩm mỹ thuật hiện đại, thể hiện sự đa dạng, giao thoa văn hóa của vùng đất phương Nam...
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan các hiện vật
Tiêu biểu trong số đó là các Bảo vật quốc gia thuộc nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo của nền Văn hóa Phù Nam - Óc Eo (thế kỷ I-VII) và văn hóa Champa (thế kỷ II-XVII) phát triển từ xa xưa ở Nam bộ và Trung bộ Việt Nam.
Các hiện vật này gồm: Tượng Phật Đồng Dương (có niên đại thế kỷ VIII-IX), Tượng Nữ thần Devi (thế kỷ X), Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn (thế kỷ VIII-IX), Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (thế kỷ X), Tượng thần Vishnu (thế kỷ II-V), Tượng thần Surya (thế kỷ VI-VII);
Tượng Nữ thần Durga (thế kỷ VII-VIII), Tượng Avalokitesvara (thế kỷ VIII-IX), Tượng Phật Sa Đéc (thế kỷ IV), Tượng Phật Bình Hòa (thế kỷ IV-VI), Tượng Phật Lợi Mỹ (thế kỷ IV-VI), Tượng Phật Sơn Thọ (thế kỷ VI-VII).
Đây là những hiện vật thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, được công nhận Bảo vật Quốc gia vào các năm 2012, 2013 và 2018.
Những tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện giá trị lịch sử văn hóa - tín ngưỡng tộc người vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ của kỹ thuật đương thời mang tính bản địa của các thành phần dân tộc Việt Nam trong quá khứ, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Chuyên gia quốc tế và Việt Nam tham quan trưng bày bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ngày 29.6.2025. Tác phẩm hội họa “Thanh niên thành đồng”
Hai bảo vật của Bảo tàng TP.HCM gồm Ấn đồng “Lương Tài Hầu chi ấn” (niên đại 1833, thời Nguyễn) – đại diện cho quyền lực thời phong kiến, và khuôn in “Tín phiếu mệnh giá 5 đồng” (1947) – hiện vật đặc biệt ghi dấu ngành tài chính thời kháng chiến.
Trong lĩnh vực mỹ thuật hiện đại, hai tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí và “Thanh niên thành đồng” của Nguyễn Sáng được xem là đỉnh cao sáng tạo, vừa giàu giá trị nghệ thuật, vừa phản ánh tinh thần thời đại.
Hiện vật mới nhất được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2024 là chõ gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (niên đại khoảng 2.500–2.000 năm), thuộc sưu tập tư nhân của ông Chi Bảo. Đây là hiện vật quý, góp phần làm phong phú thêm kho tàng khảo cổ học Việt Nam.
Không gian trưng bày lần này được thiết kế hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo tàng học, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hiện vật, vừa phục vụ tốt nhu cầu thưởng lãm. Các bảo vật được bố trí trong tủ kính cường lực, trang bị hệ thống camera giám sát 24/24, lực lượng bảo vệ túc trực thường xuyên, phối hợp với công an địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống.
Ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân và du khách. “Chính văn hóa thưởng lãm, thái độ tôn trọng di sản của công chúng mới là hàng rào bảo vệ vững chắc nhất”, ông nói.
Đây không chỉ là hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa – lịch sử mà còn đóng vai trò giáo dục di sản, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Việc được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật quý hiếm sẽ khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý thức gìn giữ di sản.
Màn hình tương tác giúp công chúng tìm hiểu thêm thông tin và trải nghiệm tại bảo tàng
Mở rộng “bức tranh” di sản thành phố mới
Từ ngày 1.7, TP.HCM chính thức sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhờ đó, hệ thống di sản của TP.HCM mới sẽ càng thêm phong phú, đa dạng. TP.HCM sẽ có thêm 6 bảo vật quốc gia mới (3 của Bình Dương, 3 của Bà Rịa – Vũng Tàu), nâng tổng số lên 23 bảo vật.
Cùng với đó, tổng số di tích xếp hạng trên địa bàn sẽ lên tới 314, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 99 di tích quốc gia và 221 di tích cấp tỉnh.
Cùng với số công trình đã được kiểm kê, chuẩn bị xếp hạng ở các địa phương, lượng di sản của TP.HCM tăng lên đáng kể.
Sự kết hợp này được xem vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi những cách làm mới, sáng tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Các hoạt động trưng bày chuyên đề như lần này sẽ giúp công chúng có góc nhìn rộng hơn về văn hóa – lịch sử, không chỉ riêng TP.HCM mà còn mở rộng đến vùng Đông Nam bộ.
Đưa các bảo vật “ra khỏi tủ kính” để đến gần hơn với công chúng chính là mục tiêu mà TP.HCM hướng tới. Việc trưng bày đồng thời nhiều bảo vật lần này cũng là bước khởi đầu cho những hoạt động tiếp theo, góp phần biến kho tàng di sản thành tài sản tinh thần chung của cộng đồng.
Công chúng tham quan bảo vật quốc gia - tác phẩm hội họa “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày 29.6.2025
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết thêm, phòng trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia” đặt ngay tại Phòng Bát giác - của Bảo tàng.
Không gian này quy tụ đầy đủ 15 bảo vật quốc gia hiện thuộc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và bảo vật của sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo.
Cạnh đó, BTC bố trí hai màn hình tương tác trình chiếu 2 tác phẩm tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. “Do các tranh gốc cần điều kiện bảo quản đặc biệt nên không thể di chuyển đến nơi trưng bày tập trung, công chúng có thể đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để thưởng lãm các tác phẩm tranh gốc”, TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Lần đầu tiên các bảo vật này cùng xuất hiện trong một không gian trưng bày chuyên đề tại TP.HCM, là cơ hội đặc biệt để công chúng tiếp cận gần hơn với di sản.
Đây không chỉ là hoạt động tôn vinh giá trị lịch sử – nghệ thuật, mà còn là hình thức giáo dục di sản sinh động, khơi gợi niềm tự hào văn hóa, đặc biệt với thế hệ trẻ.
THÙY TRANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san-hoi-ngo-ke-chuyen-nghin-nam-148205.html