Di sản kéo co ngồi 'độc lạ' ở đền Trấn Vũ

Di sản kéo co ngồi 'độc lạ' ở đền Trấn Vũ
5 giờ trướcBài gốc
Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, tại làng Ngọc trì, xã Cự Linh, vùng đất ven kinh thành Thăng Long xưa - nay là phường Thạch bàn, quận Long Biên, vẫn bảo tồn và gìn giữ nghi lễ kéo co ngồi độc đáo.
Vào dịp đầu xuân tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức với tâm điểm là trò diễn kéo co ngồi. Đây là nghi lễ thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ảnh những ước mơ, khát vọng về mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt từ nhiều đời nay của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Nét đặc sắc của nghi lễ kéo co ngồi là các đội tham gia phải ngồi trên nền đất để kéo. Khác với hội thi kéo co bình thường, vật sử dụng để kéo trong nghi lễ là cây song to và nhẵn dài trên 30m, được kéo qua một lỗ nhỏ trên cột trụ chôn sâu dưới đất.
Dù chưa có tài liệu chính thức ghi chép về nguồn gốc, nhưng đối với người dân địa phương, những độc đáo, nét riêng có của trò chơi kéo co ngồi được xuất phát từ câu chuyện dân gian, sau đó được đời trước lưu truyền lại cho đời sau.
Theo ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, từ xưa, làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng phân đều trên ba xóm (hay còn gọi là mạn) nhưng có đến 11 cái giếng đã cạn hết nước, chỉ còn một cái duy nhất (nằm trên mạn Địa) vẫn còn nước. Thanh niên trai tráng ở mạn Đường và mạn Chợ xuống xin mạn Địa nước nhưng người mạn Địa không cho, nên đã xảy ra giằng co nhau. Khi ấy, người ta dùng quang mây và nồi đất để gánh nước. Vì sợ đổ nước nên hai bên đã ngồi xuống để kéo giữ nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa.
Với tính độc đáo của mình, kéo co ngồi đền Trấn Vũ được người dân phường Thạch Bàn ý thức gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2014, nghi thức này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12/2015, kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dưới tên "Nghi lễ và trò chơi kéo co”, trong đó có kéo co ngồi quận Long Biên.
Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, tâm sự: "Niềm vui, niềm tự hào của nhân dân phường Thạch Bàn, quận Long Biên là rất lớn, bởi trò chơi truyền thống của làng đã vượt qua khoảng cách không gian, địa lý và trở thành di sản thế giới. Người dân trong phường đều ý thức gìn giữ di sản để trao truyền cho các thế hệ sau và hơn nữa để lan tỏa giá trị quý ra cộng đồng và toàn thế giới".
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ không những được bảo tồn mà ngày càng phát triển. Cùng với sự quan tâm đầu từ quận và thành phố, cũng như công tác tuyên truyền quảng bá được làm bài bản, chính quyền địa phương, nhân dân phường Thạch Bàn đã tổ chức thành công nhiều đợt thực hành, truyền bá và lan tỏa di sản cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Bàn, quận Long Biên, cho biết, phường sẽ tiếp tục đầu tư và tạo điều kiện để di sản kéo co ngồi được quảng bá, phát triển theo Nghị quyế 09 về phát triển văn hóa.
Để quảng bá di sản văn hóa độc đáo của quê hương đến bàn bè trong nước và quốc tế, năm 2023, phường Thạch Bàn đã tổ chức chương trình giao lưu, trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam.
Với người dân Ngọc Trì xưa kia và Thạch Bàn hôm nay, lễ hội đền Trấn Vũ gắn với di sản kéo co ngồi chính là sợi dây kết nối cộng đồng, là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Đình Thanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/di-san-keo-co-ngoi-doc-la-o-den-tran-vu-300997.htm