Những di sản của Vua Alexander cũng như tầm ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp mà ngài đã khơi nguồn nơi đế chế ngắn ngủi của mình đã nhanh chóng lan rộng khắp Á, Phi và Âu châu trong suốt những thế kỷ tiếp theo.
Khá chắc chắn khi nói rằng nếu như không có vị Hoàng đế Macedonia này cùng những chiến công của ngài thì nền triết học, nghệ thuật và văn học của Hy Lạp cổ đại đã không có tầm ảnh hưởng to lớn như thế lên cuộc sống con người trong suốt hơn hai nghìn năm, mà chỉ như một giọng ca nhỏ bé trong dàn hợp xướng đầy màu sắc của các nền văn minh cổ đại.
Ý định phổ biến nền văn minh Hy Lạp của Vua Alexander ra khắp ba châu lục không nhằm mục đích nào khác ngoài việc coi nó như một phương tiện hữu dụng để kiểm soát người dân ở nhiều vùng đất khác nhau. Giống như người Ba Tư đi trước và người La Mã kế cận, ngài không mấy quan tâm đến việc người dân bản địa nói thứ ngôn ngữ gì hay họ thờ những vị thần nào miễn là họ vẫn tuân phục các luật lệ của ngài.
Tranh vẽ chân dung chinh chiến của Alexander đại đế. Ảnh: Medium.
Các phong tục của người Hy Lạp mà ngài đã truyền bá ở các thành phố trong khắp đế chế của mình phần lớn đều là vì lợi ích của các thần dân Macedonia và Hy Lạp, những người sẽ trở thành người cai trị trên những vùng đất trong đế chế của ngài.
Nhà vua vẫn muốn các tùy tùng của mình cảm thấy như họ vẫn đang ở tại quê hương dù cho họ đang phục vụ ngài ở Bactria hay Babylon. Thậm chí đối với hàng nghìn quân lính trẻ ngoại bang mà ngài đã huấn luyện, dạy cho họ nói tiếng Hy Lạp để trở thành các tướng chỉ huy sau này, ngài cũng không định cho họ trở thành những người truyền bá nền văn minh cho những người chảy cùng dòng máu với họ.
Nhưng chính những người kế vị Vua Alexander, đặc biệt là những người kế vị của Seleucus, sẽ dùng sự truyền bá văn minh Hy Lạp ấy như một công cụ để thống trị tàn bạo. Quá trình ấy có sự giúp sức to lớn của tầng lớp quý tộc địa phương, những người nhìn nhận việc tiếp nhận văn hóa Hy Lạp chính là chìa khóa nắm giữ quyền lực, vinh hoa phú quý và cả danh tiếng trong thời đại Hy Lạp mới.
Ở Ấn Độ, dù bị coi là công cụ kiểm soát chính trị trực tiếp của người Macedonia thì ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp cũng dần suy yếu. Các cường quốc bên thung lũng sông Hằng rơi vào sự thống trị của một nhân vật quyền lực tên là Chandragupta - người đã dựng nên đế chế Mauryan và bành trướng quyền lực của mình đến tận sông Ấn.
Hai mươi năm sau khi Vua Alexander vượt qua bao gian khổ để nắm quyền thống trị trên khu vực này, Seleucus đã gặp Chandragupta và dùng toàn bộ vùng đất thuộc quyền của mình trước khi tới dãy Hindu Kush tại Ấn Độ để đổi lấy năm trăm voi chiến chống lại quân thù ở phía Tây. Seleucus đã sai một sứ thần tên là Megasthenes đến cung điện Ấn Độ và giống như sử gia Herodotus khi xưa, Megasthenes cũng đã pha trộn những gì mình quan sát được với các câu chuyện bản địa đầy mơ hồ để cho ra những ghi chép có ảnh hưởng sâu rộng nhất về Ấn Độ cho Địa Trung Hải thời cổ đại.
Thế nhưng ngay cả khi quyền lực của Seleucus không còn hiện diện trên thung lũng sông Ấn thì nền văn minh Hy Lạp và sức ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại ở vùng đất phương Đông xa xôi ấy trong nhiều thế kỷ. Ashoka Đại đế, cháu trai của Chandragupta, đã mở rộng đế chế Mauryan sang hầu hết các tiểu lục địa và cho ghi những dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp để tuyên bố chủ quyền của mình.
Philip Freeman/Bách Việt Books-NXB Dân Trí