ĐBQH. Bùi Hoài Sơn. (Nguồn: Quốc hội)
Việc UNESCO công nhận “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No” là Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào không chỉ là một sự kiện mang tính lịch sử, mà còn mở ra mô hình hợp tác bảo tồn mới giữa các quốc gia trong khu vực.
Từ câu chuyện thành công này, có thể thấy rõ tầm quan trọng của bảo vệ di sản xuyên biên giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.
Vượt ranh giới địa lý
Không gian di sản từ lâu vốn được hiểu là nơi lưu giữ những giá trị độc đáo của tự nhiên và con người, gắn với một cộng đồng, một quốc gia cụ thể. Nhưng trong thời đại ngày nay – thời đại của những dòng chảy xuyên biên giới, của biến đổi khí hậu toàn cầu, của khát vọng gìn giữ những gì nhân loại có chung thì quan niệm ấy đã không còn đủ.
Di sản không thuộc về riêng ai. Việc bảo tồn di sản cần cách tiếp cận mới, vượt qua ranh giới hành chính và tư duy sở hữu, hướng tới giá trị chung của tình đoàn kết, hợp tác và nhân loại.
Việc UNESCO công nhận “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No” là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào chính là minh chứng cho tư duy đó. Đây vừa là quyết định mang tính biểu tượng, và là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành trong tư duy bảo tồn của khu vực Đông Nam Á – nơi những giá trị tự nhiên không bị chia cắt bởi biên giới, mà được gắn kết bởi lịch sử địa chất hàng trăm triệu năm, bởi hệ sinh thái xuyên quốc gia, và bởi tinh thần cùng chung trách nhiệm.
Trong hệ thống Di sản thế giới của UNESCO, các di sản liên quốc gia (transboundary sites) ngày càng được nhấn mạnh như một giải pháp toàn diện để bảo vệ các hệ sinh thái rộng lớn, bảo đảm tính toàn vẹn và liên tục của các giá trị. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới đã có những mô hình thành công như dãy núi Wadden (Hà Lan – Đức – Đan Mạch), rừng mưa Amazon (nhiều nước Nam Mỹ), hoặc dãy núi Karpat (Ba Lan – Slovakia – Ukraine). Tất cả đều cho thấy, chỉ khi các quốc gia cùng nhìn về một hướng, cùng chung tay gìn giữ những giá trị tự nhiên và văn hóa, mới có thể bảo vệ được điều lớn lao hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Lào đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi cùng xây dựng hồ sơ di sản liên biên giới đầu tiên của khu vực. Hành động này cho thấy, chúng ta còn là những đối tác có chung trách nhiệm gìn giữ “tài sản vô giá của nhân loại”. Sự kiện này cũng đánh dấu việc mở ra một hướng tiếp cận mới trong chính sách di sản không chỉ là bảo tồn, mà là kết nối, hợp tác và phát triển bền vững dựa trên những giá trị chung.
Di sản không còn chỉ tồn tại trong bảo tàng hay những quy hoạch khép kín, mà đang bước ra khỏi mọi ranh giới, trở thành biểu tượng của hòa bình, hợp tác và phát triển. Đây là xu thế tất yếu, là trách nhiệm chung của các quốc gia trong nỗ lực bảo vệ Trái đất, bởi di sản là ký ức quá khứ, chứng nhân hiện tại và cam kết cho tương lai.
Gắn kết di sản, lan tỏa giá trị
Trên bản đồ di sản thế giới, không nhiều địa điểm vừa mang dấu ấn lịch sử địa chất, vừa gắn kết bền chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia như Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô. Đây không chỉ là tên gọi, mà là hình ảnh của một chỉnh thể tự nhiên liền mạch - nơi hệ sinh thái karst đá vôi cổ trải dài qua dãy Annam vốn không biết đến khái niệm “biên giới”.
Quyết định lịch sử của UNESCO công nhận “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” là Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào chính là tiếng vang của tư duy bảo tồn mới, vượt ra khỏi ranh giới địa lý, quỹ đạo hành chính, để bảo vệ những giá trị chung của thiên nhiên và nhân loại.
Ở trung tâm của tiến trình ấy là Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2024 của Việt Nam - văn bản đầu tiên đưa khái niệm “di sản xuyên quốc gia” vào khuôn khổ pháp luật. Luật quy định rõ về việc “hợp tác quốc tế trong xây dựng hồ sơ, quản lý, giám sát và phát huy giá trị di sản liên biên giới” đánh dấu bước nhảy vọt trong tư duy bảo tồn: không còn là chuyện của một quốc gia, mà là trách nhiệm chung mang tầm nhân loại.
Thực tế, từ năm 2018, các chuyên gia, cán bộ và nhà quản lý từ hai nước đã cùng nhau vượt rào ngôn ngữ, luật pháp, quy trình để xây dựng hồ sơ chung. Lần đầu Cục Di sản văn hóa Việt Nam hỗ trợ Lào hoàn thiện tài liệu đề cử, trao đổi chuyên gia, tổ chức các hội thảo hướng dẫn hồ sơ theo tiêu chí IUCN – đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa tư duy chuyên môn và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Phong Nha - Kẻ Bàng đã hai lần được UNESCO công nhận (2003, 2015), nhưng lần thứ ba khi nó “nối tay” với Hin Nam No mới thật sự thể hiện chiều sâu chiến lược: Bảo tồn không những là giữ giá trị vật chất, mà là xây dựng lòng tin, kết nối cộng đồng và mở rộng vùng ảnh hưởng phát triển bền vững ngay từ khu vực biên giới, vốn từng là vùng trũng về đầu tư và sự chú ý.
Điều đáng chú ý là Luật Di sản văn hóa năm 2024 cũng đặt cộng đồng địa phương vào vị trí trung tâm của hệ thống di sản. Những dân tộc thiểu số nơi biên giới với kiến thức bản địa thầm lặng về hang động, rừng núi và tập quán bảo tồn giờ đây là “đối tượng được bảo vệ”, là đồng tác giả, đồng chủ thể trong mọi quyết sách. Họ vừa là người giữ rừng, vừa là hướng dẫn, vừa là đại diện văn hóa đích thực cho mỗi đoàn khách quốc tế đến thăm.
Khi di sản trở thành một phần của đời sống cộng đồng giúp họ phát triển nghề du lịch sinh thái, dịch vụ homestay, bảo tồn rừng thì giá trị thực sự của Phong Nha - Hin Nam No không đơn thuần là thiên nhiên “đẹp và nguyên vẹn”, mà còn là “cộng đồng thịnh vượng, kiến thức được tôn vinh, trách nhiệm được chia sẻ”.
Trong đó, Luật Di sản văn hóa năm 2024 được coi như “xương sống” pháp lý song hành, tạo ra hành lang minh bạch cho mọi bên cùng hành động: Đơn giản như trao đổi dữ liệu nghiên cứu, phối hợp giám sát khai thác trái phép, chia sẻ biên bản giám định khoa học, cho đến phát triển chính sách tín dụng xanh, quản trị rừng đa mục tiêu trên cơ sở liên quốc gia, tất cả đều được luật hóa.
Bên cạnh câu chuyện bảo tồn di sản, Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No là hành trình của lòng tin giữa quốc gia với quốc gia, của sự tôn trọng giữa luật pháp và truyền thống, của tầm nhìn chiến lược về phát triển vùng biên, nơi bảo tồn, phát triển cộng đồng và hợp tác quốc tế hòa quyện vào nhau. Đó chính là minh chứng sống động cho tư duy di sản tiến tới: Mở, liên biên giới và nhạy bén với thời đại.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 và 2015. (Nguồn: TITC)
Biểu tượng của hữu nghị, hòa bình và phát triển bền vững
Có những di sản được công nhận vì vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Có những di sản được tôn vinh bởi bề dày lịch sử hay sự độc đáo về sinh học. Nhưng cũng có những di sản, như Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam No, mang trong mình giá trị vượt lên trên tất cả, của hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển giữa hai dân tộc.
Di sản này không những là một kỳ quan địa chất có tuổi đời hơn 400 triệu năm, mà còn là kết tinh của mối quan hệ thủy chung, son sắt giữa Việt Nam và Lào, được nuôi dưỡng bằng máu xương trong kháng chiến, bằng hợp tác trong hòa bình, giờ đây lại bằng sự đồng hành trong việc gìn giữ tài sản chung của nhân loại. Việc cùng đề cử một di sản liên quốc gia là hoạt động chuyên môn, cũng là hành động mang tính biểu tượng thể hiện tầm nhìn chính trị sâu sắc và sự gắn bó chiến lược lâu dài giữa hai nước.
Chính những di sản như Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam Nô đã trở thành thành lũy mềm ấy, nơi mà mỗi hang động, mỗi dòng sông ngầm, mỗi tán rừng karst... đều kể một câu chuyện về sự cùng tồn tại, về lựa chọn gắn kết.
Về mặt chính sách, việc hình thành di sản liên quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam và Lào là cột mốc quan trọng trong chiến lược “ngoại giao di sản” – hình thức ngoại giao mềm đang ngày càng được các nước khai thác hiệu quả để nâng cao vị thế quốc gia, xây dựng hình ảnh đất nước thân thiện, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trong Nghị quyết về chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn mới, các hoạt động hợp tác di sản, trong đó có xây dựng hồ sơ xuyên biên giới, đã được định hướng rõ ràng như một trụ cột của đối ngoại nhân dân, đối ngoại văn hóa và ngoại giao đa phương.
Ở chiều ngược lại, chính di sản cũng được hưởng lợi từ chính sách đối ngoại tích cực này. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý di sản, các tổ chức nghiên cứu khoa học, lực lượng bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư hai bên biên giới, tất cả đã tạo nên một cơ chế vận hành bền vững, giúp nâng cao khả năng chống chịu của di sản trước biến đổi khí hậu và tác động của con người. Đồng thời, các thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết giữa các tỉnh, giữa các Bộ, giữa các Ban quản lý rừng đặc dụng... cũng trở thành “hợp đồng xã hội” mới để bảo vệ không chỉ tài nguyên, mà cả niềm tin và trách nhiệm.
Từ đó, Phong Nha - Hin Nam No không chỉ đơn thuần là một thắng cảnh hay vùng sinh thái đặc biệt. Nó đã trở thành biểu tượng sống động của một hình mẫu hợp tác mới giữa các quốc gia đang phát triển trong khu vực ASEAN: Cùng chia sẻ tri thức, cùng nâng cao năng lực quản lý, quan trọng hơn cả là cùng gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau.
Di sản, một lần nữa, khẳng định vai trò là nhịp cầu mềm nối kết các dân tộc, là điểm hội tụ của văn hóa, sinh thái, lịch sử và chính trị – nơi mà hòa bình vừa là mục tiêu, vừa là quá trình được vun đắp từng ngày qua từng bước chân khám phá, từng cái bắt tay hợp tác và từng thế hệ con người sống hòa thuận cùng thiên nhiên.
Một trong những hang động độc đáo thuộc Vườn quốc gia Hin Nam Nô. (Nguồn: Laotian Times)
Chiến lược hợp tác bảo tồn di sản xuyên quốc gia
Khi Phong Nha – Kẻ Bàng bắt nhịp với Hin Nam Nô, mô hình hợp tác xuyên quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực bảo tồn ở Đông Nam Á đã chính thức được định hình. Mô hình ấy mang tính biểu tượng và mở ra một hướng phát triển mới cho Việt Nam-Lào, rộng hơn là cả khu vực trong nỗ lực gìn giữ các giá trị tự nhiên và văn hóa đang bị đe dọa bởi tốc độ phát triển thiếu kiểm soát, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu.
Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam Nô là bài học về tư duy chủ động hội nhập: Không chờ được công nhận mới liên kết, mà chính sự liên kết chủ động đã tạo nên giá trị lớn lao hơn cho mỗi bên. Đó cũng là minh chứng cho năng lực ngày càng trưởng thành của Việt Nam trong quản lý, xây dựng hồ sơ và vận hành di sản từ cấp quốc gia đến quốc tế với sự tham gia sâu rộng của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, cộng đồng địa phương và các tổ chức quốc tế.
Từ đây, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới những hồ sơ di sản xuyên quốc gia mới, như khu vực rừng nhiệt đới Trường Sơn – dãy núi chia sẻ với Lào, Campuchia; hay vùng cao nguyên đá Hà Giang – nơi có kết nối địa chất và văn hóa với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Mỗi không gian như vậy đều là cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò tiên phong trong kiến tạo cơ chế bảo tồn chung, xây dựng hành lang sinh thái khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững xuyên quốc gia.
Để làm được điều đó, cần có một chiến lược dài hạn về hợp tác di sản, trong đó Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2024 đã mở lối với các quy định cho phép thiết lập cơ chế đồng quản lý, chia sẻ lợi ích, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động “ngoại giao di sản” – kết nối các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, mạng lưới UNESCO tại các quốc gia láng giềng, để xây dựng những điểm chung về nhận thức, ưu tiên và cam kết trong công tác bảo tồn giữa một khu vực đầy biến động.
Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho khoa học liên ngành, đặc biệt là địa chất, sinh thái học, nhân học, công nghệ số hóa di sản nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá, cảnh báo và quản lý. Từ đó, việc xây dựng các hồ sơ di sản sẽ vừa là hoạt động ghi danh, vừa là quá trình kiến tạo giá trị bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả tự nhiên, con người và chính sách phát triển.
Trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực tăng cường kết nối nội khối, bảo tồn xuyên quốc gia sẽ là một trụ cột mới cho hợp tác khu vực – nơi di sản là chất keo kết nối văn hóa – sinh thái – kinh tế và đối ngoại nhân dân. Khi các quốc gia cùng nhìn về một hướng trong việc gìn giữ những gì thiêng liêng nhất của thiên nhiên và lịch sử, thì hòa bình và phát triển không còn là khẩu hiệu, mà trở thành dòng chảy hiện thực.
Việc UNESCO công nhận “Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” là Di sản Thế giới liên quốc gia đầu tiên của Việt Nam và Lào, vì vậy, mở ra một chân trời mới – nơi bảo tồn cũng là hành động cho tương lai. Một tương lai mà trong đó, mỗi cánh rừng, mỗi hang động, mỗi con người đều được gìn giữ, tôn trọng và phát triển trong một thế giới ngày càng cần đến sự sẻ chia.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn