Di sản Thế giới Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc: Nguồn lực mềm, tạo sinh kế bền vững

Di sản Thế giới Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc: Nguồn lực mềm, tạo sinh kế bền vững
8 giờ trướcBài gốc
Lễ hội ở Yên Tử. (Ảnh: TTXVN phát)
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 12/7 vừa qua.
Cùng với vịnh Hạ Long-quần thể Cát Bà thì đây là Di sản Thế giới thứ hai mà tỉnh Quảng Ninh đồng sở hữu.
Vinh dự lớn, song cũng đặt ra các thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Việt Dũng về vấn đề này.
- Thưa ông, tỉnh Quảng Ninh đang đồng sở hữu 2 Di sản thế giới. Theo ông, điều này đem lại lợi ích như thế nào với tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Việc tỉnh Quảng Ninh đồng sở hữu hai Di sản thế giới là vịnh Hạ Long-quần thể Cát Bà cùng Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là một niềm vinh dự lớn, đồng thời cũng là một cơ hội chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Đây là hai Di sản văn hóa của nhân loại, mang giá trị nổi bật toàn cầu, giúp Quảng Ninh khẳng định, củng cố vị thế trên bản đồ du lịch văn hóa và thiên nhiên quốc tế.
Những di sản được UNESCO vinh danh mở ra các cơ hội phát triển về du lịch, dịch vụ, văn hóa, góp phần thu hút dòng khách du lịch chất lượng cao và mở ra khả năng hợp tác quốc tế về đầu tư, nghiên cứu, giáo dục và bảo tồn.
Trên đỉnh chùa Đồng, Yên Tử. (Ảnh: TTXVN phát)
Việc sở hữu hai Di sản thế giới của Quảng Ninh cùng với Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội tạo ra trục kết nối giữa ba di sản tiêu biểu của phía Bắc, vừa làm sâu sắc các giá trị văn hóa lịch sử, vừa bổ sung cho nhau - một di sản thiên nhiên, một di sản văn hóa - tạo nên cấu trúc phát triển cân bằng giữa “tự nhiên và con người.”
Điều này phù hợp với định hướng phát triển của Quảng Ninh là chuyển từ “nâu sang xanh,” phát triển du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, lan tỏa rộng và quan trọng nhất là tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, người dân.
Danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới không chỉ vinh danh một vùng đất, mà còn là nguồn lực “mềm” để truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm và hành động chung của toàn xã hội trong gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo sự bền vững cho tương lai.
- Thưa ông, vậy tỉnh Quảng Ninh chọn hướng đi như thế nào trong phát triển “kinh tế di sản”?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Quảng Ninh xác định phát triển “kinh tế di sản” là một hướng đi chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Chúng tôi không tiếp cận di sản chỉ như tài nguyên du lịch, mà nhìn nhận đó là nguồn lực văn hóa đặc biệt, vừa có giá trị kinh tế, vừa là trụ cột trong xây dựng bản sắc, niềm tin và phát triển con người.
Với tầm nhìn đó, tỉnh đang triển khai các nhóm giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng, giữ vững tính xác thực, gắn với phát triển hài hòa và có kiểm soát.
Quảng Ninh sẽ đầu tư hạ tầng kết nối vùng di sản theo hướng “mềm hóa”, đảm bảo hài hòa cảnh quan, sinh thái, văn hóa và trải nghiệm. Không phải đô thị hóa di sản, mà là hiện đại hóa việc tiếp cận di sản một cách có trách nhiệm.
Chùa Ngọa Vân - Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt nhà Trần. (Ảnh: TTXVN phát)
Tỉnh sẽ phát triển các mô hình kinh tế sáng tạo dựa trên di sản, như du lịch văn hóa-tâm linh tại Yên Tử, sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống, dịch vụ trải nghiệm thiền - Phật giáo Trúc Lâm, giáo dục di sản trong trường học...
Đồng thời, tỉnh thúc đẩy hợp tác công-tư, liên kết vùng và quốc tế trong bảo tồn, khai thác di sản theo tiêu chuẩn UNESCO, với sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương.
Chúng tôi gọi đó là cách làm “văn hóa hóa kinh tế,” đưa giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế, để kinh tế phục vụ cho việc giữ gìn di sản lâu dài.
- Sở hữu những Di sản Thế giới là lợi ích và tiềm năng lớn, song cũng đặt ra những thách thức thế nào đối với tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý Di sản Thế giới, nhất là di sản liên vùng, liên tỉnh?
Ông Nguyễn Việt Dũng: Đúng vậy, danh hiệu Di sản Thế giới là vinh dự to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Với tỉnh Quảng Ninh, thách thức lớn nhất nằm ở ba khía cạnh. Đó là, di sản dạng chuỗi, liên vùng-liên tỉnh như Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đòi hỏi một cơ chế điều phối liên ngành, liên địa phương, vượt qua giới hạn hành chính để bảo tồn một cách đồng bộ.
Trước đó, ngày 8/11/2024, Ủy ban Nhân dân 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương trước đây (nay là Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) đã thống nhất ký ban hành Kế hoạch số 09/KHPH-QN-BG-HD, dự kiến Kế hoạch quản lý Di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân 3 tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện Kế hoạch quản lý Di sản Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt ban hành chính thức để thực hiện ngay sau khi quần thể di tích và danh thắng này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới đảm bảo theo quy định pháp luật Di sản Văn hóa của Việt Nam và Công ước Di sản Thế giới năm 1972 và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Chùa Hồ Thiên - Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt nhà Trần. (Ảnh: TTXVN phát)
Bên cạnh đó, áp lực phát triển kinh tế-du lịch có thể dẫn đến nguy cơ xâm hại hoặc “thương mại hóa” di sản nếu không kiểm soát tốt. Do đó, Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển phải đi kèm bảo tồn.
Mọi hoạt động tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di sản trong vùng lõi và vùng đệm của di sản đều được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa và Công ước quốc tế 1972 về bảo vệ di sản thế giới.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là người dân sống trong vùng di sản - yếu tố then chốt. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục di sản trong trường học, cộng đồng Phật tử, người làm du lịch, và xem họ là “người giữ hồn di sản.”
Việc bảo vệ và phát huy Di sản Thế giới không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một địa phương, mà là trách nhiệm của cả vùng, của quốc gia, của thế hệ hôm nay và mai sau.
-Xin cảm ơn ông./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/di-san-the-gioi-yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-nguon-luc-mem-tao-sinh-ke-ben-vung-post1049911.vnp