Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long: Những con số đầy ấn tượng

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long: Những con số đầy ấn tượng
2 giờ trướcBài gốc
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh lần đầu tiên vào năm 1994 về giá trị cảnh quan tự nhiên và mở rộng tiêu chí địa chất địa mạo vào năm 2000; đến năm 2009, được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và năm 2011, Vịnh Hạ Lomg trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Thiên nhiên Hạ Long được công nhận vẻ đẹp ấn tượng của Top 7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, Top 10 Điểm du thuyền hấp dẫn nhất thế giới, một trong số 29 Vịnh đẹp nhất được Câu lạc bộ những Vịnh thế giới xếp hạng. Ảnh: @gracesiwik.
Năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới đã phê duyệt mở rộng ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng; năm 2024, Vịnh Hạ Long được Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) trao tặng bằng công nhận Di sản địa chất vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Cùng với đó, Vịnh Hạ Long còn được nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế liên tục bình chọn nằm trong danh sách điểm đến tham quan ấn tượng trên thế giới, như 1 trong 50 Kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, 1 trong 8 nơi có vùng nước đặc biệt nhất thế giới, một trong 10 Di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á, một trong 10 điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á...
Để gìn giữ, phát huy những giá trị của Di sản, năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; trọng tâm là bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản, quản lý môi trường kinh doanh du lịch và phát triển sản phẩm du lịch...
Trong đó, nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai đồng bộ như: Cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; Chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa trên Vịnh Hạ Long; Di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng đệm di sản; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng (để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái)... Cùng với đó, là đầu tư tôn tạo, theo hướng đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng tàu khách tiêu chuẩn quốc tế; các công trình kiến trúc nổi bật...
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024).
Ngày 14/12, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024) bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu, nhấn mạnh: Sau 30 năm được vinh danh, giờ đây, vịnh Hạ Long đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững.
Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, Việt Nam và của thế giới. Trong 30 năm qua, đã có khoảng 57 triệu lượt khách tham quan vịnh, đem về nguồn thu trên hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một cảnh hoàng hôn trên vịnh Hạ Long, không gian đầy huyền ảo, thơ mộng và lãng mạn. Ảnh: @moritzschlieb.
Những con số đặc biệt về Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận, với 2 tiêu chí được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (gồm: tiêu chí VII về cảnh quan thẩm mỹ và tiêu chí VIII về địa chất địa mạo); 3 nền văn hóa trên vịnh Hạ Long (gồm: văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long); 4 giá trị nổi bật toàn cầu và tiêu biểu của vịnh Hạ Long (gồm: thẩm mỹ, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và lịch sử văn hóa).
Vịnh Hạ Long có 5 cụm điểm lưu trú nghỉ đêm; 7 Di chỉ khảo cổ đã được nghiên cứu, phát hiện; 8 Hành trình tham quan du lịch; 15 loài thực vật đặc hữu; 33 cảnh, điểm đang khai thác, phục vụ khách tham quan; 42 Tùng; 69 Hang động (đã được phát hiện); 81 Áng và 193 Bãi cát trên vịnh Hạ Long. Vịnh có diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ với 3.000 loài động thực vật trên Vịnh Hạ Long.
Trong 30 năm qua, vịnh Hạ Long đã thu hút 56,870 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có 30,74 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu (thu phí tham quan Vịnh Hạ Long) đạt 4.211 tỷ đồng.
Nguyễn Quân
PV
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/di-san-thien-nhien-the-gioi-vinh-ha-long-nhung-con-so-day-an-tuong-post325860.html