Di sản Tổng thống Joe Biden để lại sau một nhiệm kỳ

Di sản Tổng thống Joe Biden để lại sau một nhiệm kỳ
5 giờ trướcBài gốc
Những thành tựu nổi bật
Dấu ấn mạnh mẽ nhất của ông Joe Biden trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình đó là chiến dịch ứng phó với đại dịch COVID-19. Khi đại dịch đang bùng phát khắp thế giới với những hậu quả nghiêm trọng, chính sách tiêm chủng và tăng cường kiểm soát đại dịch của ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ.
Sự đối nghịch trong cách tiếp cận của Tổng thống Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump khi đó cũng đem đến những khác biệt lớn. Nếu như ông Trump chỉ coi COVID-19 như một căn bệnh thông thường và thả nổi tình hình thì ông Biden đã chọn cách kiểm soát chặt chẽ và phủ vaccine trên diện rộng để kiểm soát đà lây lan của bệnh dịch. Chỉ trong chưa đầy một năm, hơn 80% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine giúp ngăn chặn đà lây lan. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ kinh tế qua Đạo luật Giải cứu nước Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1,9 nghìn tỉ USD đã giúp hàng triệu gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Khi mới nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Biden cũng nhận được rất nhiều kỳ vọng.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nhận định: “Chính quyền Tổng thống Biden đã mang lại sự phối hợp liên bang cần thiết, giúp giảm số ca tử vong và phục hồi niềm tin vào y tế công cộng”. Những chương trình này đã giúp nước Mỹ vượt qua đại dịch và kinh tế Mỹ có đà cất cánh sau đó.
Về chính sách kinh tế nói chung, khi tranh cử, ông Biden đã hứa hỗ trợ tầng lớp trung lưu và giảm bất bình đẳng trong kinh tế. Những gói cứu trợ khổng lồ của chính quyền Mỹ sau đó đã có tác dụng với những con số rất ấn tượng. Kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỉ USD đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ. Đạo luật Giảm lạm phát được triển khai trong năm 2024 đã giúp giảm giá năng lượng và thuốc men khoảng 7-10%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% vào cuối năm 2024, mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ. Hơn 13 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong nhiệm kỳ của ông Biden, một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử các Tổng thống Mỹ. Tỉ lệ tăng trưởng GDP đạt mức 5,7% vào năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984.
Chuyên gia kinh tế Paul Krugman, giáo sư của Đại học Princeton, chủ nhân của giải Nobel năm 2008 cho rằng: “Những cải cách kinh tế của ông Biden là bước tiến dài giúp củng cố tầng lớp lao động”. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn thì tăng trưởng cao của kinh tế Mỹ chính là dấu ấn lớn nhất dưới thời ông Biden.
Hình ảnh già nua, yếu đuối của ông Joe Biden bị chỉ trích nhiều trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ.
Khi tranh cử, ông Biden cũng đưa ra cam kết sẽ đưa nước Mỹ “trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu”. Vì thế, sau khi đắc cử, chính quyền ông Biden đã tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tăng gấp đôi cam kết tài trợ khí hậu toàn cầu. Đây được coi là dấu ấn đối ngoại lớn nhất của ông Biden trong nhiệm kỳ của mình. Ông cũng đã tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Âu sau giai đoạn chia rẽ dưới thời tiền nhiệm nhưng ông cũng sẽ được nhớ tới như là vị tổng thống đã dẫn dắt liên minh NATO trong việc hỗ trợ Ukraine xung đột với Nga từ năm 2022.
Chính quyền ông Biden cũng đi vào lịch sử khi liên tục kí những gói hỗ trợ khổng lồ lên đến hơn 100 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine chỉ trong 2 năm qua. Ở một mức độ nào đó, đúng như cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton nhận định: “Ông Biden đã mang lại sự ổn định và niềm tin cho các đồng minh của Mỹ”.
Về các chính sách xã hội, thực hiện lời hứa “bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số và thúc đẩy bình đẳng xã hội”, chính quyền của Tổng thống Biden đã thông qua Luật Cơ sở hạ tầng Internet để mở rộng kết nối Internet cho hơn 42 triệu người dân nông thôn Mỹ cũng như Luật Cải cách tư pháp hình sự giúp giảm tình trạng phân biệt đối xử với người da màu trong hệ thống pháp lý. Các biện pháp bảo vệ quyền bầu cử, người nhập cư, người đồng tính được ưu tiên trong các chính sách của chính phủ dưới thời ông Biden. Đây có thể coi là những di sản để lại sau nhiệm kỳ 4 năm qua của ông Biden.
Những giới hạn và thất bại
Dẫu có nhiều số liệu ấn tượng, nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden vẫn bị đánh giá có những giới hạn đáng kể. Từ chính sách kinh tế “rộng rãi” của ông Biden, nhiều vấn đề mới đã phát sinh, đặc biệt là nợ công và lạm phát. Dù tỷ lệ thất nghiệp giảm, chính quyền Biden phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất liên tục để bảo vệ giá trị của đồng USD. Trong khi đó, nợ công Mỹ tăng cao kỷ lục, đạt hơn 33 nghìn tỷ USD vào năm 2024, gây áp lực lên ngân sách quốc gia cho nhiều năm tiếp theo. Tất cả nguyên nhân là bởi những gói chi tiêu khổng lồ của chính quyền Mỹ cho những dự án lớn mà ông Biden đề xuất.
Trong khi đó, dù có nhiều cam kết môi trường, đầu tư tốn kém cho năng lượng xanh, lượng khí thải của Mỹ chỉ giảm nhẹ do sự phản kháng từ các ngành công nghiệp và một số bang. Theo thống kê thì lượng khí thải giảm chưa đến 10% từ 2021-2024, trong khi mục tiêu ban đầu là 50% vào năm 2030. Các nhà môi trường học như tiến sĩ Bill McKibben nhận định rằng “ông Biden đã không đủ mạnh mẽ trong việc đối đầu với các tập đoàn dầu khí”.
Những cuộc họp tăng lãi suất của FED ghi dấu trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden.
Không tham gia cuộc đua nhiệm kỳ thứ hai cũng cho thấy thất bại trong cam kết chính trị của ông Biden. Dù cam kết “hàn gắn tâm hồn nước Mỹ”, mức độ phân cực chính trị tại Mỹ vẫn tiếp tục lên cao. Theo thống kê của Pew Research Center, vào năm 2024, 69% người Mỹ cho rằng đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc hơn. Những tranh cãi về quyền phá thai, kiểm soát súng và quyền bầu cử liên tục gây chia rẽ trong Quốc hội. Nhiệm kỳ của ông Biden đã lập kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ với 4 Chủ tịch Hạ viện khác nhau được bổ nhiệm vì những bất đồng trong cơ quan này. Sự chia rẽ trong các cộng đồng cư dân làm gia tăng các phong trào cực hữu khiến tình trạng bạo lực chính trị ở nước Mỹ với những vụ tấn công vào các chính trị gia nhiều hơn đáng kể.
Cuộc khủng hoảng biên giới và nhập cư xuất phát từ những chia rẽ chính trị và các quyết sách của ông Biden trong nhiệm kỳ của mình cũng gây ra nhiều vấn đề. Ông bị đánh giá là đã thất bại trong việc kiểm soát dòng người di cư qua biên giới Mỹ - Mexico dẫn đến cuộc khủng hoảng biên giới khi chính quyền bang Texas chống lại lệnh của liên bang và tự mình phong tỏa biên giới. Uớc tính có hơn 2,5 triệu vụ vượt biên trái phép được ghi nhận vào năm 2023, mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Về chính sách đối ngoại, ông Biden bị đánh giá là thất bại trong mối quan hệ với Trung Quốc khi không giải quyết được căng thẳng, dẫn đến các cuộc chiến thương mại kéo dài. Vị thế và uy tín của Mỹ cũng bị thách thức với sự lớn mạnh của các tổ chức mới như BRICS. Thái độ thiếu dứt khoát của ông tại Trung Đông đã làm bùng nổ xung đột Israel với Hamas, Hezbollah, gây ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trong khu vực địa chiến lược quan trọng này. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021 cũng bị xem là thất bại, gây tổn hại uy tín của Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định: “Sự rút lui đột ngột ở Afghanistan là một trong những thất bại chiến lược lớn nhất của Mỹ trong lịch sử”. Ở góc độ cá nhân, hình ảnh “già nua”, “yếu đuối” của ông Biden cũng nhận phải nhiều lời chỉ trích.
Bạo lực chính trị phản ánh sự chia rẽ lớn trong xã hội Mỹ.
Có thể nói, sau 4 năm làm người đứng đầu Nhà Trắng, di sản mà Tổng thống Joe Biden để lại vẫn chưa thực sự rõ ràng. Dù có những thành tựu đáng kể trong việc tái thiết nền kinh tế, ứng phó với đại dịch và khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, ông cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng chia rẽ chính trị, biến đổi khí hậu và những vấn đề đối ngoại gây tranh cãi. Tổng thống Joe Biden đã cố gắng hiện thực hóa nhiều lời hứa, nhưng những vấn đề còn tồn tại sau nhiệm kỳ của ông phản ánh sự phức tạp và áp lực của một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử nước Mỹ.
Tử Uyên
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/di-san-tong-thong-joe-biden-de-lai-sau-mot-nhiem-ky-i757307/