Đi tắt, đón đầu

Đi tắt, đón đầu
7 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ về bối cảnh ra đời của mô hình Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị (HIFU) 30 năm trước, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch không giấu được sự xúc động và tự hào. Thời điểm TP HCM gặp áp lực về vốn cho đầu tư phát triển, quy hoạch đô thị ngày càng lớn và trở nên thúc bách, HIFU ra đời như một làn gió mới.
Mô hình đột phá
HIFU được thành lập ngày 10-9-1996 theo Quyết định số 644/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động ngày 19-5-1997. HIFU lúc bấy giờ được xây dựng là một tổ chức tài chính; một mô hình hoạt động mang tính thí điểm, nhằm xây dựng một cơ chế huy động vốn tập trung và hiệu quả để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng và một số lĩnh vực công nghiệp then chốt trên địa bàn.
Lễ khai trương Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP HCM. Ông Trần Du Lịch đứng hàng trước, thứ ba từ phải sang. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhớ lại bối cảnh lúc bấy giờ, TS Trần Du Lịch, kể khoảng năm 1995, lúc đó mong muốn của thành phố là làm sao có một quỹ có thể huy động được nguồn lực đầu tư hạ tầng. Khi đó, nhu cầu phát triển hạ tầng của thành phố là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng vốn từ ngân sách lại quá nhỏ, quá khó. Làm sao để có nguồn vốn mới, "bung ra" thúc đẩy sự phát triển trong lúc này, là một bài toán với lãnh đạo thành phố mà Viện Kinh tế thành phố phải nghiên cứu. Ông Lịch khi đó đang là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM.
"Tôi nhớ khoảng 10 giờ sáng, một ngày giữa năm 1995, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó đang là Chủ tịch UBND TP HCM nói tôi đi cùng gặp Bộ Tài chính để trình bày về đề án xây dựng mô hình quỹ đầu tư phát triển đô thị nhằm huy động vốn. Bộ Tài chính lúc đó do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Hùng (nguyên Chủ tịch Quốc hội) được phân công chủ trì họp cùng lãnh đạo các vụ, cục, nghe trình bày về đề án" - ông Lịch kể.
Sau khi nghe TS Trần Du Lịch trình bày ý tưởng về mô hình thí điểm của quỹ, phần lớn ý kiến đều băn khoăn với lý do "đề xuất một đề án mà không có quy định nào của pháp luật, cũng chưa có tiền lệ này" thì làm sao triển khai? Triển khai dựa trên cơ sở nào? Giữa những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng nói một câu mà ông Lịch nhớ mãi: "Nếu có quy định thì họp làm gì, vì không có quy định nên chúng ta mới cần các đồng chí tham mưu để trình làm thí điểm".
Tiếp đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý chủ trương, giao Bộ Tài chính đồng ý phối hợp cùng TP HCM hoàn thiện đề án và trình Thủ tướng Chính phủ. "Đây là một quyết định đột phá lúc bấy giờ. Sau đó mới có đề án hoàn chỉnh, trình Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải ký. Và Quyết định số 644/TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm mô hình HIFU ra đời trong bối cảnh như vậy, cho thấy với một mô hình mới nếu không có quyết tâm của lãnh đạo, định hướng cho bộ máy tham mưu giúp việc, thì sẽ rất khó để triển khai" - TS Lịch tin tưởng.
Ngay sau khi mô hình HIFU đưa vào thí điểm, đã góp phần huy động nguồn vốn cho nhiều dự án nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng ở TP HCM. Một trong những thành công của HIFU khi đó là chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục lúc bấy giờ, phải kể đến là dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Từ Dũ.
Ông Trần Du Lịch đã đề xuất triển khai mô hình này bằng cách ngân hàng cho Bệnh viện Từ Dũ vay vốn để đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Sở Y tế là đơn vị triển khai; HIFU là đơn vị thẩm định dự án và nhận ngân sách Nhà nước để trả thay toàn bộ phần lãi vay ngân hàng cho bệnh viện. Sự thành công của mô hình này đã góp phần rất lớn trong huy động nguồn vốn.
Đề xuất "bán đường để thu phí"!
Một mô hình khác, có lịch sử ra đời khá đặc biệt - tiền thân của mô hình BOT sau này là đề xuất "bán đường để thu phí" đối với 2 tuyến đường Hùng Vương và Điện Biên Phủ.
Khoảng đầu năm 2000, ông Trần Du Lịch đang là Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM đã nghiên cứu, phối hợp cùng HIFU khi đó do bà Giao Thị Yến làm Tổng Giám đốc, có đề xuất táo bạo là "bán đường để thu phí". Nhớ lại đề xuất này, ông Lịch kể bấy giờ, thành phố vừa mở rộng đường Hùng Vương và đang triển khai xây dựng cầu Sài Gòn nối dài lên đường Điện Biên Phủ.
Tổng kinh phí đầu tư khoảng 700 tỉ đồng, giao cho lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) thu phí. Ông đề xuất, thay vì giao TNXP thu phí lấy tiền lẻ thì chuyển nhượng toàn bộ cho một doanh nghiệp để thu phí và có thể trả tiền trong vòng một năm. Thành phố sẽ lấy "tiền chẵn" đi xây công trình khác.
Viện Kinh tế thành phố và HIFU đề xuất không giao một doanh nghiệp cụ thể nào mà lập một công ty cổ phần đại chúng (tiền thân của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM - CII bấy giờ). Sau đó, CII sẽ phát hành cổ phần ra công chúng.
"Thời điểm phát hành cổ phần, tôi còn nhớ phải thuê cả sân vận động Quân khu 7. Điều bất ngờ là nhà đầu tư xếp hàng đi mua rất đông" - ông Lịch nói.
Dự án công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Từ Dũ có sự tiếp sức của Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP HCM. (Ảnh do Bệnh viện Từ Dũ cung cấp)
Để mô hình trên được triển khai, có một số quy định là thời gian chuyển nhượng thu phí là 9 năm, mức phí do HĐND thành phố quyết. Số tiền không phải 700 tỉ đồng mà 1.000 tỉ đồng và số tiền này sẽ dùng để mở rộng tiếp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tới sân bay Tân Sơn Nhất. Có điều, khi ra trình bày trước UBND thành phố lúc bấy giờ, nhóm nghiên cứu có ông Lịch và bà Yến, đã gặp một tình huống "khó xử".
"Sau khi trình bày xong, có một cán bộ tham gia họp nói thẳng với tôi là: "Đồng chí là Viện trưởng Viện Kinh tế mà đi xúi Nhà nước bán đường để thu phí là sao? Đồng chí sai rồi!" - ông Lịch kể, rồi ông giải thích với các đại biểu trong cuộc họp rằng "đường vẫn của nhà nước, chỉ là chuyển quyền thu phí cho doanh nghiệp để ngân sách có một khoản tiền lớn một lúc để đầu tư các dự án khác. Dù cuộc họp lúc đó có căng thẳng, nhưng kết luận lại vẫn là đồng ý - đánh dấu cho mô hình BOT sau này" - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố nhớ lại.
Sau nhiều năm, khi nhớ lại những lần đề xuất các mô hình mới như thí điểm HIFU hay tiền thân của BOT, TS Trần Du Lịch đúc kết: "Để có những mô hình mới đi vào thực tế phải có "quyết tâm rất lớn của lãnh đạo, của người đứng đầu, khi đó người đề xuất mới có điều kiện để thực hiện".
Quê hương thứ hai
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch nói rằng TP HCM là quê hương thứ hai của mình - nơi ông có những may mắn và cả cái duyên được làm việc, đóng góp và cống hiến. Trong chặng đường 30 năm gắn bó với mảnh đất thành phố, TS Trần Du Lịch chia sẻ rằng mỗi nhiệm vụ được giao ông đều dành toàn tâm, toàn ý, không ngại khó, ngại khổ. "Tuy còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng sự phát triển của thành phố trong 50 năm qua, với diện mạo đô thị như hiện nay, rất đáng tự hào. Và tôi cũng thấy tự hào trong sự phát triển vượt bậc đó, có một chút đóng góp của mình" - ông thổ lộ.
Xứng danh lá cờ đầu
Theo đánh giá của các chuyên gia, HIFU là lá cờ đầu trong hệ thống các quỹ đầu tư phát triển tỉnh (thành phố) lúc bấy giờ; là đơn vị có quy mô và tốc độ phát triển nhanh và bền vững nhất trong phạm vi toàn quốc. Với TP HCM, HIFU khẳng định vai trò công cụ đầu tư tài chính hiệu quả của chính quyền thành phố thông qua kết quả huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để cùng đầu tư cho các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội trọng điểm trong các kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và 2006 - 2010. Có nhiều chương trình đã mang dấu ấn khá đậm nét của HIFU, góp phần đáp ứng kịp thời cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chương trình kích cầu thông qua đầu tư; chương trình xây dựng hệ thống cầu đường, khu công nghiệp, khu đô thị mới; các dự án cung cấp nước sạch, dự án chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...
THÁI PHƯƠNG
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/di-tat-don-dau-196250428213257536.htm