Di tích Phật giáo cổ đại được khai quật sau sáu thập kỷ tại Ratnagiri

Di tích Phật giáo cổ đại được khai quật sau sáu thập kỷ tại Ratnagiri
7 giờ trướcBài gốc
Sau hơn sáu thập kỷ khi cuộc khảo sát đầu tiên được tiến hành, thì phát hiện này một lần nữa đã khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa bền vững của di tích Phật giáo này.
Tiến sĩ Sunil Patnaik, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Hàng hải và Đông Nam Á Odisha (OIMSEAS) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện mới qua lời chia sẻ: “Tu viện Phật giáo vừa được phát hiện có niên đại từ thế kỷ VIII TL, được xây dựng dưới sự bảo trợ của triều đại Bhaumakara, vốn là triều đại hưng thịnh tại Odisha cổ đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ XI. Những tượng Phật được tìm thấy tại đây có kiểu tóc độc đáo chưa từng thấy ở các vùng khác của Ấn Độ, điều này càng làm nổi bật tính độc đáo và ý nghĩa của di tích”.
Cuộc khai quật tại Ratnagiri là một nỗ lực dựa trên sự hợp tác giữa Cục Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) và Khoa lịch sử của các Đại học Cotton (Guwahati), Đại học Sambalpur, và Đại học Utkal. Theo bà Prajnya Pratin Pradhan, Trợ lý Giám sát viên của ASI, mục tiêu của dự án là làm sáng tỏ thêm di sản lịch sử và văn hóa Phật giáo tại Odisha.
Các phát hiện mới này không chỉ làm nổi bật sự huy hoàng của Odisha cổ đại mà còn làm sáng tỏ vai trò của Ratnagiri như một trung tâm Phật giáo trọng yếu trong khu vực.
Ratnagiri, được biết đến với tên gọi “Ngọn đồi châu báu”, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1905 bởi ông Manmohan Chakravarty, một quan chức hành chính tại Jajpur. Trong giai đoạn 1958–1961, các cuộc khai quật đầu tiên đã phát hiện ra nhiều công trình Phật giáo quan trọng, bao gồm một tháp gạch, 3 quần thể tu viện, 8 ngôi đền, và hơn 700 ngôi tháp nhỏ.
Dù có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là đối với lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Ratnagiri vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn. Ông Tapan Pati, cựu giáo sư lịch sử tại Cao đẳng Tư thục Kendrapada, bày tỏ lo ngại: “Nhiều người dân địa phương đã xây dựng nhà cửa trên một phần của khu di tích Phật giáo, gây khó khăn cho việc bảo tồn”. Ông kêu gọi Chính phủ nên có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ kho tàng vô giá này, nơi lưu giữ nghệ thuật, kiến trúc và nền văn hóa Phật giáo.
Các phát hiện mới này không chỉ làm nổi bật sự huy hoàng của Odisha cổ đại mà còn làm sáng tỏ vai trò của Ratnagiri như một trung tâm Phật giáo trọng yếu trong khu vực. Theo các nhà sử học và khảo cổ học, di tích này có tiềm năng tiết lộ thêm nhiều thông tin sâu sắc về di sản tinh thần và văn hóa của Phật giáo tại đây.
Một trong những phát hiện quan trọng là tượng voi nguyên khối bị vỡ, dài 1,5 mét và cao 1,1 mét. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy tượng Phật thủ khổng lồ, các mảnh điêu khắc tượng thần Phật giáo, tháp nhỏ bằng đá và gạch, cùng một bộ sưu tập đồ gốm. Một quan chức đang tham gia khai quật tại đây nhận xét: “Những di vật này mang lại cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của Phật giáo trong khu vực dưới triều đại Bhaumakara và cả thời kỳ sau đó”.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Ratnagiri nằm trong mạng lưới các địa điểm tương tự ở miền Đông Ấn Độ, đây được cho là những điểm kết nối quan trọng trên các tuyến đường thương mại và hành hương thời cổ đại. Điều này minh chứng cho sự lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong khu vực.
Bà Prajnya Pratin Pradhan cho biết dự án khai quật lần này mang tính liên ngành, kết hợp giữa khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật, và khảo sát văn bia. “Cuộc khai quật không chỉ nhằm làm sáng tỏ lịch sử của Ratnagiri mà còn nhằm hệ thống hóa các dữ liệu về cấu trúc, niên đại và ý nghĩa văn hóa của di tích”, bà cho biết.
Tiến sĩ Patnaik chia sẻ thêm rằng những phát hiện tại Ratnagiri có thể khơi gợi lại sự quan tâm của công chúng đối với di sản Phật giáo tại Odisha, từ đó thúc đẩy công tác bảo tồn và nâng cao nhận thức về giá trị của di tích này. Ông nhấn mạnh: “Tượng Phật với kiểu tóc độc đáo tại đây là một bằng chứng sống động cho sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ”.
Cuộc khai quật vẫn đang tiếp diễn và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khám phá mới. Với sự tham gia của các trường đại học và các chuyên gia trong và ngoài nước, Ratnagiri tiếp tục là một điểm đến nghiên cứu hấp dẫn, không chỉ với giới học giả mà còn với các Phật tử và khách du lịch văn hóa từ khắp nơi trên thế giới.
Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/di-tich-phat-giao-co-dai-duoc-khai-quat-sau-sau-thap-ky-tai-ratnagiri-post74557.html