Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Côn Sơn: Nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Côn Sơn: Nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia
8 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Địa danh Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu danh thắng nổi tiếng, một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn phường Chí Linh, tỉnh Hải Dương (cũ) nay thuộc thành phố Hải Phòng. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh ở thế kỷ XV của nghĩa quân Lam Sơn.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cùng nhiều danh nhân văn hóa: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang... Côn Sơn cũng là địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đọc bía về Nguyễn Trãi. Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nhìn từ trên cao. Ảnh sưu tầm.
Chùa Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc tự" nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành, hay "Côn Sơn tự", tọa lạc ở chân núi Côn Sơn, có từ trước thời nhà Trần.
Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hỏa công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Do vậy, ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa "Thiên Tư Phúc tự" trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun.
Từ triều đại nhà Trần nơi đây đã được biết đến như một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm bên cạnh chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Vào thời nhà Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất lớn.
Sau nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay rất bình dị ẩn mình dưới tán lá của các cây cổ thụ. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ "công", gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Trong tòa Thượng điện có bức tượng Phật A Di Đà cao 3 mét.
Phía sau chùa là nhà Tổ, thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Điều Ngự Giác hoàngTrần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan sau này được tôn tạo kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các họa tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê.
Cổng chùa Côn Sơn. Ảnh sưu tầm.
Sân chùa có cây đại hơn 600 tuổi, bốn nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư động" tạo từ thời Long Khánh (1373 - 1377) có nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình khối lục lăng "Côn Sơn thiện tư bi phúc tự".
Chùa Côn Sơn thờ Huyền Quang tức Lý Đạo Tái (1254 - 1334), một trong ba vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm. Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại đây, Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam đại, đặc phong tự pháp "Huyền Quang tôn giả", cấp ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang đã trở thành ngày Giỗ Tổ của chùa Côn Sơn hằng năm.
Côn Sơn có đền thờ Nguyễn Trãi - nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà chính trị thiên tài của Việt Nam ở thế kỷ XV.
Tại đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều mang bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các tượng thờ, bía đá, hoành phi, câu đối...
Ngày 15/2/1965, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương vinh dự, tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích Côn Sơn. Sau khi thắp hương tại Tổ đường chùa Côn Sơn, Bác Hồ đã dừng lại bên tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, dịch và giảng giải về nội dung của tấm bia, nhắc nhở mọi người cần trân trọng, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Người đã leo núi Côn Sơn, tới Thanh Hư động và dừng chân ở Thạch Bàn - nơi trước đây Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy ngẫm việc nước. Người căn dặn cán bộ, nhân dân cùng các nhà sư bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây xanh.
Chùa Côn Sơn hiện còn 16 văn bia niên đại từ thời Trần (thế kỷ XIV) đến thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Nội dung các văn bia ghi chép tới nhiều lĩnh vực như sau: Hệ thống các công trình của chùa, trùng tu, tôn tạo, lập hậu Phật, công đức, lễ nghi, tục lệ, sự tích các tổ tu hành ở chùa, văn thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn của các danh nhân, bút tích của các vua, chúa trong triều đình… Đây là hệ thống tư liệu gốc quan trọng để nghiên cứu toàn diện về quá trình phát triển của chùa Côn Sơn nói riêng và đời sống Phật giáo trong xã hội các thời kỳ lịch sử nói chung, phục vụ thiết thực cho việc quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích.
Trong phật điện hiện còn lưu giữ những bộ tượng mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật nhất là bộ Tam thế Phật. Bộ tượng Tam thế Phật bao gồm 3 vị: Phật Quá Khứ, Phật Hiện Tại và Phật Vị Lai, tên gọi đầy đủ là "Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân". Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại Khu di tích, bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII.
Điểm độc đáo khiến cho những pho tượng này khác biệt với tất cả các bộ tượng Tam thế khác, đây là các hiện vật gốc độc bản, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay. Các pho tượng được chạm trổ rất kỹ, quan tâm tới từng chi tiết. Bộ tượng mang ý nghĩa về các lực lượng tự nhiên, phản ánh tục cầu mưa, cầu mùa, là khát vọng của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Yếu tố dung dị phóng khoáng của tâm thức bản địa đã Việt hóa những khuôn mẫu tôn giáo, tạo nên sự hội nhập văn hóa trong ngôi chùa.
Bộ tượng Tam thế Phật được tạo tác bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, gồm ba phần: Thân tượng, tòa sen và bệ gỗ. Mỗi pho tượng cao tử 1,55 - 1,75 mét, nặng khoảng 100 kg. trong tư thế ngồi thiền định trên tòa sen theo kiểu kiết già hàng ma. Bộ tượng này gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa, được tạo hình, sơn son thếp vàng nhiều lớp, mang những hoa văn trang trí tiêu biểu, không những kế thừa được nét tinh túy của nghệ thuật thời trước mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật pháp.
Tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn có hình thức độc đáo, đặc biệt là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng “trật vai phải” của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên.
Với những giá trị tiêu biểu về trang trí mỹ thuật độc đáo, niên đại cụ thể, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là Bảo vật quốc gia.
Bộ tượng Tam thế Phật cùng với hai Bảo vật quốc gia là bia Thanh Hư động và Côn Sơn Tư phúc tự bi tại Khu di tích Côn Sơn và những di tích khác là minh chứng xác thực và toàn vẹn vào hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
Trong gần bảy thế kỷ qua, những giá trị lịch sử văn hóa to lớn ở Côn Sơn đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, trở thành dòng chảy truyền thống có sức sống mãnh liệt, lan tỏa, đi sâu vào tâm thức của mỗi Phật tử và cộng đồng. Với giá trị to lớn, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, ngày 12/7/2025 vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra tại Paris, thủ đô nước Pháp, Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và Thành phố Hải Phòng, chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là di sản liên tỉnh thứ 2, sau vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà. Đồng thời cũng là di sản dạng chuỗi đầu tiên của Việt Nam, phản ánh đầy đủ sự gắn kết giữa tự nhiên, văn hóa và tôn giáo xuyên suốt nhiều thế kỷ. Đây là niềm vinh dự tự hào to lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng mà còn đối với nhân dân cả nước.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-con-son-noi-luu-giu-nhieu-bao-vat-quoc-gia.html