Ngày 8/2, thông tin từ Bảo tàng Lịch sử TP Huế cho biết vừa chuyển giao di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. Đây vốn là trụ sở cũ của Bảo tàng Lịch sử TP Huế trong suốt hơn 40 năm qua.
Khuôn viên di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn tại Huế nhìn từ trên cao.
Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1803 với tên gọi ban đầu là Đốc Học đường. Tháng 3/1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Đây được xem như là đại học quốc gia dưới thời nhà Nguyễn nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Trường nằm tại làng An Ninh Thượng (huyện Hương Trà, nay là quận Phú Xuân, Huế), cách Kinh thành Huế khoảng 5 km về phía tây, mặt hướng ra sông Hương.
Do trường ở khá xa Kinh thành Huế, năm 1908 (dưới thời vua Duy Tân), triều đình nhà Nguyễn cho dời trường Quốc Tử Giám về tại khu đất ở góc đông nam Hoàng thành Huế như hiện nay. Năm 1945, cùng với sự cáo chung của vương triều nhà Nguyễn, trường Quốc Tử Giám tại Huế chấm dứt vai trò của mình.
Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn được sử dụng làm trụ sở Bảo tàng Lịch sử TP Huế hơn 40 năm.
Năm 1976, Bảo tàng Lịch sử TP Huế (tiền thân là Bảo tàng Bình Trị Thiên) thành lập và sử dụng một phần di tích Quốc Tử Giám làm trụ sở chính. Hiện trạng khu đất và các công trình tạm giao Bảo tàng Lịch sử TP Huế quản lý tiếp giáp 4 đường Đoàn Thị Điểm, Lê Trực, Đinh Tiên Hoàng, 23 tháng 8, với các công trình di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc Tử Giám, bia Thị Học, bia Huỳnh Tự Thư Thanh, hai nhà học, cổng tam quan...
Đây là di tích có giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Quốc Tử Giám triều Nguyễn là công trình di tích có giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Năm 1993, di tích này cùng với hệ thống di tích triều Nguyễn tại Huế đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Di tích Quốc Tử Giám từng được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là TP. Huế) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất ngày 17/12/2013 cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, với diện tích hơn 24.600 m2. Đến năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quyết định về việc điều chỉnh phân cấp quản lý di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, di tích Quốc Tử Giám giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. Bảo tàng Lịch sử TP Huế chuyển đến địa điểm mới.
Bảo tàng Lịch sử TP Huế tiến hành đợt tổng di dời hơn 32.000 hiện vật, mang tính dứt điểm ra khỏi di tích Quốc Tử Giám vào cuối năm 2024.
Tháng 11/2024, Bảo tàng Lịch sử TP Huế đã tổ chức đợt tổng di dời hơn 32.000 hiện vật, mang tính dứt điểm ra khỏi di tích Quốc Tử Giám. Đến nay, công tác di dời Bảo tàng Lịch sử TP Huế đến địa điểm mới tại 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, quận Thuận Hóa, Huế) đã hoàn tất. Đơn vị đã tiến hành bàn giao khu đất di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
Khu đất di tích Quốc Tử Giám và các công trình kiến trúc liên quan đã được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết sau khi tiếp nhận, quản lý di tích Quốc Tử Giám (phần do Bảo tàng Lịch sử TP Huế từng sử dụng), nơi đây sẽ được lập dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. Dự kiến công tác lập dự án trùng tu, tôn tạo sẽ triển khai trong năm 2025.
Dự án bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích Quốc Tử Giám có tổng mức đầu tư hơn 108 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 4 năm.
Ngọc Văn