Trải qua thăng trầm của thời gian, nơi đây từng là trung tâm thờ Mẫu lớn bậc nhất cả nước, gắn liền với truyền thuyết công chúa Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” trong văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều biến động lịch sử, dấu tích nguyên bản của Phố Cát không còn nguyên vẹn. Nỗ lực phục dựng, bảo tồn di tích đang được chính quyền và người dân Thạch Thành triển khai, nhưng để khôi phục toàn diện và phát huy giá trị xứng tầm, rất cần sự chung tay từ cộng đồng và các nhà hảo tâm.
Ảnh tư liệu ghi lại vẻ cổ kính và không gian tôn nghiêm của ngôi đền giữa rừng thiêng nước độc thuở trước
Vết tích của thời gian và giấc mơ hồi sinh di sản
Ngược dòng lịch sử, đền Phố Cát được dựng vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng (1740–1786), là nơi ghi dấu lần giáng trần thứ ba của công chúa Liễu Hạnh – vị thánh Mẫu được nhân dân tôn thờ, thậm chí được sắc phong “Thượng đẳng thần” bởi các triều vua phong kiến.
Đây là một trong ba trung tâm thờ Mẫu lớn nhất cả nước, nơi linh thiêng không chỉ bởi yếu tố tâm linh mà còn gắn liền với những sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng. Ngay cả vua Khải Định khi hạ giá qua vùng đất Thạch Thành cũng đã ghé thăm đền, đề thơ ngâm vịnh.
Đầu thế kỷ XX, tại dòng suối phía trước đền, Tổng đốc Thanh Hóa cho xây dựng tháp Vọng Ngư, công trình để vua Bảo Đại nghỉ ngơi và thưởng ngoạn, ngắm cá thần tung tăng bơi lội dưới suối trong.
Tuy nhiên, biến thiên của lịch sử và tác động của con người khiến Phố Cát dần mất đi dáng vẻ uy nghi vốn có. Những công trình cổ phần lớn đã bị phá hủy hoặc xuống cấp trầm trọng, chỉ còn lại một số hạng mục như Nghi môn và tháp Vọng Ngư còn giữ được dấu tích từ thời Nguyễn.
Các hạng mục được tôn tạo trong giai đoạn 1990–1995 đều mang tính manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, khiến khuôn viên di tích trở nên lộn xộn, chưa tương xứng với giá trị lịch sử, tâm linh và cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Không chỉ có đền Mẫu Phố Cát, khu di tích còn bao gồm đền Quan Giám Sát – nơi thờ Quan lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn (tức Quan Đệ Nhị Giám Sát), hang động kỳ thú, thác nước hùng vĩ, núi non, hồ và rừng cảnh quan độc đáo.
Tam quan đền Phố Cát được phục dựng theo lối kiến trúc truyền thống với mái cong, lầu gác và họa tiết trang trí cổ kính, góp phần tôn lên giá trị văn hóa – lịch sử của quần thể di tích nơi đây
Tổng thể ấy tạo nên một thắng cảnh hài hòa giữa tâm linh và thiên nhiên, là tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái có một không hai trong khu vực.
Đây chính là lý do khiến UBND huyện Thạch Thành quyết tâm triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Phố Cát với quy mô lớn, mang tính chiến lược.
Kêu gọi sức dân chung tay bảo tồn giá trị nghìn năm
Theo Quyết định số 1044/QĐ-UBND ngày 21.3.2025 của UBND huyện Thạch Thành, Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích thắng cảnh Phố Cát có tổng mức đầu tư 178,1 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 39 tỉ đồng, ngân sách huyện góp 23 tỉ đồng, còn lại hơn 116 tỉ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Dự án sẽ tu bổ và xây dựng mới 18 hạng mục công trình trọng điểm như: Cung Đệ Nhất, Cung Đệ Nhị, Cung Đệ Tam, Đền Quan Giám Sát, Đền Cô Bơ, bãi đỗ xe, hệ thống cây xanh, đường dạo cảnh quan, nhà bia, sân hành lễ và các công trình phụ trợ...
Đền Quan Giám Sát – Phố Cát hiện đã được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ được dáng dấp kiến trúc cổ truyền. Cây xanh, hồ nước và cây cầu cong tạo nên cảnh quan hài hòa, thanh tịnh cho ngôi đền cổ
Ông Nguyễn Đình Tam - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành chia sẻ: “Muốn Phố Cát hồi sinh đúng tầm vóc và trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của cả nước thì ngoài phần đầu tư từ ngân sách, vai trò của xã hội hóa là vô cùng quan trọng. Chúng tôi tha thiết kêu gọi sự góp sức của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là con em Thạch Thành xa quê hướng về cội nguồn để cùng bảo tồn di sản quý giá này.”
Để khơi dậy sức dân, chính quyền huyện Thạch Thành không chỉ dừng ở lời kêu gọi. Các chiến dịch vận động được tổ chức sâu rộng từ xã đến thôn bản. Trên các nền tảng mạng xã hội, website chính quyền địa phương, hình ảnh và thông tin về Phố Cát được cập nhật thường xuyên, kèm theo lời hiệu triệu từ lãnh đạo huyện, các nghệ nhân, người làm văn hóa. Tại các buổi hội họp, lễ hội truyền thống, chủ đề xã hội hóa Phố Cát luôn được nhắc đến như một điểm nhấn kết nối cộng đồng.
Lễ hội truyền thống tại đền Phố Cát thu hút đông đảo người dân và du khách. Các nghi thức rước kiệu, dâng lễ và biểu diễn nghệ thuật dân gian được tổ chức quy mô, trang nghiêm, phản ánh đời sống tâm linh phong phú của cộng đồng địa phương
Chính quyền cũng mở các kênh tiếp nhận đóng góp đa dạng, minh bạch như: tài khoản công khai tiếp nhận công đức, bố trí biển vinh danh những cá nhân, tổ chức đóng góp lớn, hoặc gắn tên đơn vị tài trợ vào một hạng mục cụ thể của dự án.
Tinh thần "mỗi người một viên gạch, dựng lại Phố Cát” đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Thạch Thành và lan rộng ra kiều bào xa quê.
Không chỉ là một dự án phục dựng di tích đơn thuần, việc tôn tạo Phố Cát được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Phối cảnh Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Phố Cát
Khi hoàn thiện, nơi đây có thể đón hàng vạn lượt khách mỗi năm, kéo theo dịch vụ lưu trú, ẩm thực, quà lưu niệm phát triển. Người dân không chỉ giữ gìn di sản mà còn được hưởng lợi kinh tế từ chính di sản ấy.
NGUYỄN LINH