Quá trình khai quật đang được triển khai thận trọng, tỉ mỉ để bảo đảm giữ được nguyên vẹn cổ vật. Ảnh: VietNamNet
Mới đây, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh (Sở VHTT&DL) đã có báo cáo kết quả bước đầu và giải pháp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuyền cổ được phát hiện ở khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Nói về quá trình phát hiện thuyền cổ, ông Hách cho biết, tháng 01 năm 2025, trong quá trình cải tạo đất để nuôi cá, ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1975) đã phát hiện dấu tích của 02 thuyền cổ tại xứ đồng Cửa Nghè, khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ở độ sâu khoảng 2m so với mặt ruộng xung quanh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở VHTT&DL đã mời và phối hợp với chuyên gia của Viện Khảo cổ học về khảo sát, đánh giá. Đánh giá bước đầu có thể thấy, đây là di tích thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu, là minh chứng xác thực để đánh giá vị trí và vai trò của sông Dâu trong dòng chảy lịch sử với thành Luy Lâu và các thời kỳ lịch sử.
Sau thời gian thực hiện khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích, qua đó có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền.
Từ kết quả khai quật khẩn cấp trên hiện trường, ngày 26/3/2025, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị đầu bờ, nhằm đánh giá giá trị bước đầu và đặt ra các giải pháp tiếp theo trong việc bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp, nghiên cứu và bảo tồn lâu dài tiến tới phát huy giá trị của di tích, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Khảo cổ học (các chuyên gia về khảo cổ học dưới nước), Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Sử học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, Hiệp hội đóng tàu Việt Nam,… và các nhà quản lý: Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), Sở VHTT&DL, Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, đại diện chính quyền Thị xã Thuận Thành, phường Hã Mãn và Tổ dân phố Công Hà, nơi phát hiện được di tích.
Đánh giá giá trị bước đầu, từ quy mô, cấu trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho thấy, đây là loại hình thuyền hai thân, dấu tích phát lộ trên hiện trường chính là hai phần thân còn lại, phần này trong thuật ngữ chuyên ngành gọi là phần chiếm nước, tức là phần kết cấu chìm hoàn toàn dưới nước, có chức năng như là hai phao đỡ toàn bộ kết cấu bên trên. Kết cấu bên trên đã bị mất hoàn toàn, có thể là do bị tháo dời. Đây có thể là thuyền có chức năng để chở hàng hóa, nhưng cũng có thể là thuyền được dùng để du ngoạn trên sông hoặc sông pha biển.
Tính độc đáo, duy nhất thuyền được đóng hoàn toàn bằng gỗ, hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết thuyền, căn cứ trên các nguồn tài liệu về thuyền cổ Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học đánh giá đây là di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, là duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế. Nhất là ở kết cấu liên kết ở phần đầu (mũi) và đuôi thuyền với phần thân thuyền, cụ thể là ở khối liên kết giữa phần độc mộc ở đáy và phần ván bửng nhô lên ở mũi và đuôi chưa hề gặp ở bất cứ đâu trên thế giới.
Về niên đại, các nhà khoa học đều thống nhất, niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích nhưng căn cứ vào kỹ thuật cho thấy, loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép.
Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng, thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần), và không thể muộn hơn thế kỷ 15 và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía nam lên.
Theo ông Hách, tư liệu thư tịch cũng đã nhắc đến loại thuyền này, do nhà vua đóng. Sách Việt Sử lược chép “Năm 1106 (thời Lý) … nhà vua cho đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy”; Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép “Năm 1124 (thời Lý) … nhà vua cho đóng thuyền Tường Quang, kiểu thuyền hai lòng”. Đáng chú ý, nguyên bản chữ Hán thì “đáy” và “lòng” cùng một tự dạng - 腹 (Phúc nghĩa là bụng), tức là thuyền hai bụng. Như vậy, dẫu chưa có kết quả phân tích niên đại nhưng có thể khẳng định sự có mặt của loại hình thuyền này trong lịch sử Việt Nam, cụ thể là thời Lý, qua ghi chép của tài liệu sử.
Nguyên Vũ