Quang cảnh di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)
Tháng 6/1969, tại Tây Ninh, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, là một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tháng 5/1972, khoảng 2/3 diện tích của tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng. Vùng đất này liên thông với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Bộ Chính trị đã ra quyết định cho xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ nhằm tạo vị thế cho Ủy ban Cố vấn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thực hiện các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/6/1969- 6/6/1973), đầu năm 1973, những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng gồm xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn, ván từ miền Bắc chuyển vào. Hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An thi công liên tục suốt ngày đêm. Sau 25 ngày đêm, công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng như dự kiến. Ngày 6/6/1973, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được hoàn thành, trở thành nơi làm việc và tiếp các đoàn khách quốc tế. Diện tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rộng hơn 17.000 m2, được chia làm hai khu độc lập: Khu A và khu B. Khu A gồm 3 dãy nhà là khu làm việc dành riêng cho Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao và nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 dãy nhà khách dành riêng cho các đại sứ lưu trú và 3 dãy nhà dành riêng cho những thành viên đi theo đoàn của các đại sứ, phóng viên báo chí và thành viên của Chính phủ lâm thời.
Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tham quan di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)
Trong thời gian từ năm 1973 đến 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng tại đây như: Đón tiếp 49 đoàn khách quốc tế, Đại sứ các nước đến trình quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, vào tháng 9/1973, vùng đất lửa Quảng Trị đã đón lãnh tụ Fidel Castro của Cuba đến thăm. Những cuộc gặp gỡ như thế đã giúp cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về Việt Nam, ủng hộ tinh thần và vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và hòa bình.
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kết thúc vai trò lịch sử của mình, toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Với vai trò, ý nghĩa lịch sử to lớn, tháng 1/1991, Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đồng chí Hoàng Phước Lâm, Trưởng ban Quản lý Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ đã giữ gìn, phát huy giá trị di tích, đồng thời làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo. Năm 2007, di tích được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng như: Phục dựng Nhà Chính phủ, nhà nghỉ của các Đại sứ trên nền các công trình cũ; xây dựng Nhà bia di tích và các công trình phụ trợ khác. Hằng năm, di tích đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị)
Nơi đây mãi mãi là một trong những biểu tượng cho khát vọng hòa bình và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Lê Hiếu