Toàn cảnh Ba La Phù đồ nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Historia.nationalgeographic.com.es
Thế kỷ VIII, Java (Indonesia) là vùng đảo tôn thờ Ấn Độ giáo nhưng cũng chính tại đây, mọc lên bảo tháp Phật giáo khổng lồ sẽ trở thành di tích Phật giáo lớn nhất thế giới - Borobudur hay còn gọi là Ba La Phù đồ. Người ta ước tính, công trình này phải tốn nhiều năm mới hoàn thành nhưng tư liệu sử học Indonesia đương thời lại không có ghi chép nào về nó cả.
Kiến trúc kỳ vĩ
Ba La Phù đồ tọa lạc tại Magelang Regency, Trung Java, Indonesia, là ngôi chùa 9 tầng được trang hoàng bởi 2.672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật.
Trong 9 tầng của Ba La Phù đồ, 6 tầng dưới hình vuông còn 3 tầng trên hình tròn. Đế của Ba La Phù đồ có kích thước 123m x 123m, diện tích tổng thể 15.129m2 và mỗi tầng vuông cao 4m.
Trung tâm tầng thượng của Ba La Phù đồ là bảo tháp lớn và vây xung quanh là 72 bảo tháp nhỏ. Các bảo tháp đều có hình chuông, bên trong lòng chuông là tượng Phật ngồi. Chiều cao từ đế đến đỉnh là 35m.
Nhìn bề ngoài, Ba La Phù đồ tương tự một kim tự tháp bậc thang. Nó được xây dựng trên một ngọn đồi tự nhiên, tốn khoảng 55.000m3 đá và loại đá được dùng để xây dựng nó là đá núi lửa được khai thác từ các mỏ lân cận hoặc dưới lòng Progo. Các viên đá được cắt mài cẩn thận và việc xây dựng là xếp chồng chúng lên nhau mà không cần vữa.
Thay vì vữa, người ta đục đẽo mộng đá như mộng gỗ và lắp ghép. Phần mái của Ba La Phù đồ cũng như hốc chuông, vòm cổng thì sử dụng kỹ thuật vòm giật cấp, tức là xếp viên đá trên nhô ra một chút so với viên đá dưới để dần tạo thành hình vòng cung vững chãi.
Ấn tượng là Ba La Phù đồ còn được trang bị hệ thống thoát nước mưa cực kỳ hiệu quả. Nó có đến 100 vòi thoát nước được lắp đặt và chúng ẩn trong các chạm khắc độc đáo là tượng đầu người khổng lồ và tượng đầu thủy quái Makara (sinh vật tưởng tượng có mõm cá sấu, mũi voi và mình cá).
Với vật liệu toàn bằng đá và quy mô lớn, ước tính thời gian hoàn thành Ba La Phù đồ phải mất nhiều chục năm. Ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng công trình này được bao quanh bởi hồ nước nhân tạo, mang ý tưởng ngôi chùa như bông sen mọc lên giữa hồ nhưng các nhà sử học Indonesia đã bác bỏ.
Mặc dù rất kỳ vĩ và tốn nhiều công sức, Ba La Phù đồ không được ghi chép trong tư liệu nào đương thời. Kết quả là về sau, không ai biết nó do người hay tổ chức nào thiết kế, xây dựng.
Người Chăm nhiều khả năng là nhà kiến tạo Ba La Phù đồ. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net
Kiệt tác của người Chăm?
Tháng 6/2012, Ba La Phù đồ được Guinness ghi nhận là chùa Phật lớn nhất thế giới. Giới sử học tạm đồng thuận, đây là công trình được xây dựng bởi Vương triều Sailendra. Tuy nhiên, bản thân vương triều này cũng là một bí ẩn.
Người Indonesia cho rằng, Vương triều Sailendra bắt đầu vào khoảng năm 760, sử dụng chữ Phạn và chữ Ấn Độ cổ. Cư dân Java rất giỏi thâm canh lúa nước, khai thác biển và gia tộc giàu mạnh nhất là Shailendra đã nổi lên cai trị toàn vùng.
Về mặt địa lý, Java là hòn đảo lớn, có nguồn gốc là đảo núi lửa. Vì nằm trên biển, nó phải được người di cư tìm đến thì mới có dân cư. Theo tư liệu cổ thì từ khoảng thế kỷ IV, nơi đây có vương quốc.
Năm 640, nó là Vương quốc Kalingga và từng cử sứ giả đến Trung Quốc. Đầu thế kỷ VIII, Java thuộc về Nhà Medang cực kỳ sùng bái Ấn Độ giáo, thờ thần Shiva. Tiếp nối Nhà Medang là Nhà Sailendra và tôn giáo cũng đột ngột chuyển sang Phật giáo Đại thừa.
Sự đột ngột này khiến các học giả không thể không đặt ra câu hỏi gốc gác của Nhà Sailendra từ đâu? Có người cho rằng, họ là dân Java địa phương, cũng có người cho rằng họ di cư từ Sumatra (Ấn Độ) hoặc Campuchia sang. Nhà nghiên cứu David Hatcher Childress, tác giả của Thế giới đã mất của người Chăm (The Lost World of the Cham) thì một mực tin rằng, người Sailendra xuất thân từ người Chăm.
Theo lập luận của David, người Chăm đã sinh cư ở bờ biển miền Trung Việt Nam từ thế kỷ II, nhiều khả năng đã thành lập nhà nước từ thế kỷ IV và là một thế lực mạnh thống trị khu vực Phù Nam (bây giờ là Campuchia, Indonesia và bán đảo Malaysia). Tín ngưỡng của người Chăm là sự hòa quyện giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Họ xây dựng cả đền Hindu lẫn chùa Phật cùng lúc và thờ phụng cả 2 hệ thống thần linh. Khi đến Java, người Chăm di cư vẫn giữ tục lệ này. Vì thế, việc Nhà Medang xây dựng đền thờ Ấn Độ giáo còn Nhà Sailendra xây dựng phù đồ (bảo tháp Phật giáo) không có gì mâu thuẫn.
Thực tế ở Java cũng chứng minh lập luận này của David. Cách Ba La Phù đồ không xa là quần thể đền thờ Ấn Độ giáo khổng lồ được xây dựng vào thế kỷ IX – Prambanan. Nó cũng được UNESCO công nhận là đền thờ Ấn Độ giáo lớn nhất ở Indonesia và lớn thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Angkor Wat, Campuchia).
Vì thế kỷ IX vẫn là thời đại của Vương triều Sailendra nên nhiều khả năng, người Sailendra chính là chủ nhân của Prambanan. Nói cách khác, họ đã xây dựng cả Ba La Phù đồ lẫn Prambanan. Ở làng Sojomerto thuộc Trung Java, người ta tìm thấy một số bia đá với nội dung cho thấy người Sailendra theo Ấn Độ giáo.
Từ kết quả khai quật di tích Ba La Phù đồ, có thể thấy bảo tháp Phật giáo này được khởi công từ khoảng năm 760, trùng với thời điểm lập quốc của Nhà Sailendra. Khoảng năm 928, sau nhiều vụ phun trào núi lửa, Ba La Phù đồ bị bỏ hoang. Có lẽ, các vua Sailendra đã chuyển tới miền Trung Java an ổn hơn để ở và dĩ nhiên, bách tính của họ cũng theo chân.
Trong khi Ba La Phù đồ bị vùi lấp bởi tro núi lửa và cỏ, cây dần bao phủ thì Java vẫn phát triển không ngừng. Thế kỷ XV, hầu hết dân số đều cải sang đạo Hồi. Người ta không lãng quên Ba La Phù đồ nhưng lại gắn nó với những truyền thuyết ma quái, xem như địa điểm gở.
Phải đến thế kỷ XIX, Ba La Phù đồ mới được khai quật và thế kỷ XX thì trùng tu. Hiện, Ba La Phù đồ là một trong các địa điểm du lịch hút khách nhất Java, mỗi năm đều có hàng triệu người đến thăm.
Theo ancient-origins.net
Thiên An