Đi tìm đầu ra cho đông trùng hạ thảo Thái Bình

Đi tìm đầu ra cho đông trùng hạ thảo Thái Bình
9 giờ trướcBài gốc
Điểm sáng từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Thái Bình - vùng đất trù phú của đồng bằng sông Hồng, từ lâu đã nổi danh với hạt gạo thơm ngon và truyền thống canh tác lúa nước. Nhưng trong làn sóng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nuôi trồng đông trùng hạ thảo, một dược liệu quý có giá trị cao cả về kinh tế lẫn y học.
Với điều kiện khí hậu ôn hòa, môi trường trong lành, cùng nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ nuôi cấy, nhiều cơ sở sản xuất tại Thái Bình đã tiên phong phát triển đông trùng hạ thảo theo hướng hiện đại, quy mô nhỏ và vừa. Tiêu biểu như hợp tác xã đông trùng hạ thảo Phú Long, cơ sở nuôi cấy nấm dược liệu đông trùng hạ thảo Đức Nhân tại huyện Hưng Hà đã đầu tư bài bản vào công nghệ sản xuất trong phòng sạch, kiểm soát nghiêm ngặt nhiệt độ, độ ẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều cơ sở sản xuất tại Thái Bình đã tiên phong phát triển đông trùng hạ thảo theo hướng hiện đại, quy mô nhỏ và vừa
Những lứa đông trùng hạ thảo thu hoạch tại đây không chỉ đạt chất lượng cao về dinh dưỡng, mà còn được người tiêu dùng đánh giá tốt về màu sắc, mùi vị và công dụng hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, để sản phẩm này có thể hiện diện vững chắc trên thị trường, câu chuyện xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh tiêu thụ vẫn còn nhiều thách thức.
Hiện nay, đông trùng hạ thảo Thái Bình chủ yếu được phân phối qua kênh bán hàng trực tiếp, mạng xã hội cá nhân hoặc khách hàng truyền miệng. Việc chưa có chiến lược marketing bài bản cũng như thương hiệu đủ sức thuyết phục khiến sản phẩm khó thâm nhập hệ thống phân phối hiện đại hoặc mở rộng ra thị trường xuất khẩu.
Bà Trần Thị Tính, chủ cơ sở trồng nấm đông trùng hạ thảo của hợp tác xã Phú Long chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu làm đông trùng hạ thảo với nhiều kỳ vọng, nhưng đúng là để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì không hề đơn giản. Mỗi mẻ nuôi cấy phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ phôi giống, nguyên liệu hữu cơ đến điều kiện phòng lạnh đạt chuẩn. Chi phí đầu tư và vận hành khá cao, nhưng đầu ra lại chủ yếu bán lẻ qua Facebook hoặc khách quen trong tỉnh. Nhiều người vẫn chưa biết đến thương hiệu của hợp tác xã Phú Long, nên việc mở rộng thị trường còn khá chậm".
Bà Trần Thị Tính mang sản phẩm đông trùng hạ thảo tới giới thiệu tại Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc
Không chỉ gặp rào cản về thương hiệu, mức giá thành cao cũng khiến sản phẩm khó tiếp cận nhóm khách hàng phổ thông. Theo bà Tính, đó là, các đối thủ cạnh tranh đến từ Lâm Đồng, Hà Nội hay nhập khẩu từ Hàn Quốc, Tây Tạng đã chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế về hình ảnh, bao bì bắt mắt và chiến lược truyền thông chuyên nghiệp.
Một trở ngại khác là việc nhiều cơ sở còn thiếu kỹ năng về thương mại điện tử, truyền thông thương hiệu, thiết kế bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ và thành thị.
Xúc tiến thương mại – đòn bẩy cần thiết
Để tháo gỡ nút thắt đầu ra cho sản phẩm, vai trò của xúc tiến thương mại ngày càng trở nên quan trọng. Tại Thái Bình, nhiều đơn vị như Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã vào cuộc tích cực nhằm hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, trong đó có đông trùng hạ thảo, từng bước xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian qua, hợp tác xã chúng tôi đã chủ động tham gia nhiều hội chợ OCOP, tuần lễ nông sản, Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc 2025 tại Hà Nội, tổ chức giới thiệu sản phẩm tại cơ quan, doanh nghiệp và chuỗi nhà thuốc. Nhờ đó, các sản phẩm đông trùng hạ thảo đã dần có mặt trong chuỗi bán lẻ hiện đại".
Bên cạnh các điểm bán hàng trực tiếp tại Thái Bình, sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều đại lý thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền Nam và bước đầu thâm nhập thị trường trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử như TikTok, Lazada, livestream bán hàng, fanpage Facebook hay nhóm Zalo OA.
Dẫu vậy, nhiều cơ sở vẫn gặp khó khăn trong khâu hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, đăng ký chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, các yếu tố bắt buộc để tiếp cận chuỗi siêu thị và thị trường quốc tế. Bao bì thiếu tính chuyên nghiệp, nhận diện thương hiệu chưa rõ ràng cũng là trở ngại khiến sản phẩm khó chiếm được cảm tình người tiêu dùng ở phân khúc cao.
Để sản phẩm đông trùng hạ thảo Thái Bình vươn xa cần chắt chiu tinh hoa, lan tỏa bản sắc bằng minh bạch và xúc tiến bài bản.
Do đó, đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình bày tỏ kỳ vọng: “Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm có kế hoạch hỗ trợ cấp mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; tổ chức hội chợ chuyên đề dược liệu cấp vùng; mời gọi các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Đặc biệt, việc đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, kỹ thuật livestream, xây dựng gian hàng số chuẩn OCOP sẽ giúp các hợp tác xã tự tin hơn khi bước vào thương trường số".
Đặc biệt, trong năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký OCOP cho sản phẩm đông trùng hạ thảo, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung – cầu, hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm dược liệu Thái Bình đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.
Tỉnh Thái Bình cũng đặt mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược liệu quý thông qua chính sách ưu đãi về mặt bằng, vốn vay và chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành chuỗi giá trị khép kín, tạo sức bật cho ngành hàng dược liệu địa phương.
Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình, để sản phẩm vươn xa, điều kiện tiên quyết là giữ được tính minh bạch về nguồn gốc, quy trình nuôi cấy và hiệu quả sử dụng. Cần xây dựng câu chuyện thương hiệu mang bản sắc Thái Bình, nơi sản phẩm được tạo nên bởi sự tâm huyết, cần cù và kỹ lưỡng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đông trùng hạ thảo Thái Bình không chỉ là một sản phẩm kinh tế, mà còn là biểu tượng cho bước chuyển mình của ngành nông nghiệp từ tư duy sản xuất truyền thống sang cách làm nông nghiệp hiện đại, giá trị cao và hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, xúc tiến thương mại chính là cú hích cần thiết, đưa dược liệu quý Thái Bình từ tiềm năng thành thương hiệu mạnh trên bản đồ sản phẩm quốc gia.
Phương Cúc
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/di-tim-dau-ra-cho-dong-trung-ha-thao-thai-binh-388022.html