Trong những ngày vừa qua, cả thế giới hướng ánh mắt về Myanmar và Thái Lan khi thảm họa động đất mạnh 7,7 độ richter bất ngờ xảy ra, gây ra những tổn thất to lớn về người và của. Những hình ảnh tòa nhà 30 tầng đang thi công tại Thái Lan đổ sập chỉ trong tích tắc khiến ai cũng không khỏi rùng mình. Trên các bản tin truyền hình, đặc biệt là VTV, tôi lặng người theo dõi những thước phim đầy ám ảnh - nhưng trong khung cảnh đổ nát và tang thương ấy, nổi bật lên hình ảnh của một đoàn người mặc quân phục, cần mẫn đào bới, lắng nghe, gọi vọng vào từng khối bê tông lạnh lẽo: đó là Đoàn cứu hộ Việt Nam.
Họ đến khi nhiều đoàn quốc tế đã lần lượt rút đi, do điều kiện nguy hiểm và hi vọng cứu sống người bị nạn ngày càng mong manh. Nhưng lực lượng cứu hộ của Việt Nam vẫn ở lại. Họ ở lại vì một niềm tin giản dị: "Bên dưới đó, có thể còn người còn sống. Một hơi thở mong manh cũng là sự sống." Chính trong khoảnh khắc mong manh ấy, chúng ta cảm nhận rõ nhất tinh thần Việt Nam - kiên cường, nhân ái và bất khuất.
Giữa những đống đổ nát cao tầng, nơi từng mảng bê tông treo lơ lửng như chỉ chờ sụp xuống, họ vẫn lặng lẽ tiến vào. Không có ánh hào quang, không có tiếng kèn vang dội, chỉ có những bước chân thầm lặng và quyết tâm không buông bỏ. Nhiều ngày liên tục làm việc trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm, họ đã cứu được những người bị mắc kẹt - có người đã không qua khỏi, nhưng có người vẫn còn thở - và chính hơi thở yếu ớt ấy đã làm bừng lên niềm hy vọng giữa cơn hoạn nạn.
Trong phóng sự được phát trên VTV, hình ảnh PGS.TS. Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - trong buổi báo cáo sau nhiệm vụ khiến tôi không khỏi xúc động. Không phải là những lời ca tụng chính mình, mà là sự chia sẻ chân thành, khiêm nhường và đầy trách nhiệm với đồng bào quốc tế. Ẩn sau từng lời nói là hình bóng của một người lính, một người thầy, một người Việt Nam với trái tim nóng và tinh thần thép.
Tự bao giờ, tinh thần “thương người như thể thương thân” đã thấm sâu vào máu thịt của người Việt?. Trong chiến tranh, người Việt Nam chiến đấu không chỉ vì độc lập dân tộc, mà còn vì lý tưởng nhân văn. Trong hòa bình, ta mang tinh thần đó đi khắp năm châu, nơi đâu có hoạn nạn, nơi đó có người Việt Nam chìa tay cứu giúp. Văn hóa Việt không chỉ là áo dài, là câu hò ví dặm, mà còn là lòng dũng cảm trong hiểm nguy, là hành động quên mình vì người khác, là quyết tâm không quay lưng trước nỗi đau của đồng loại.
Tôi tự hào trước các anh - những người con của Tổ quốc, những chiến binh không vũ khí nhưng có trái tim quả cảm. Các anh đã làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên đất bạn, trong tình cảnh khốc liệt nhất. Hành động của các anh không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là một biểu tượng sống động của tinh thần quốc tế, của lòng nhân ái không biên giới mà người Việt Nam luôn trân trọng và theo đuổi.
Trong hơi thở mong manh được tìm thấy nơi đất lạ, tôi thấy cả một bản lĩnh, một văn hóa, một tinh thần Việt Nam bất diệt.
PGS.TS. Phạm Văn Liệu – Trần Thị Thu Thảo