Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại mục e nhóm G1.4, Phụ lục G, Quy chuẩn quốc gia QCVN41:2024/BGTVT về báo hiệu đường bộ thì vạch kẻ kiểu mắt võng (vạch mắt võng) được sử dụng như sau:
Sử dụng vạch kẻ mắt võng ở các vị trí thích hợp (nút giao xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nút giao với đường sắt, cổng trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính).
Vạch mắt võng trên đường bộ. Ảnh: VNN
Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường không cho phép dừng xe. Tùy theo mặt bằng nút giao rộng, hẹp để bố trí vạch mắt võng đảm bảo cân đối, mỹ quan.
“Như vậy, vạch kẻ kiểu mắt võng có tác dụng báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được dừng hoặc đỗ trên vạch kẻ kiểu mắt võng”, luật sư Phạm Thanh Bình nêu.
Người có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ kiểu mắt võng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 của các Điều 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Đối với người đi bộ: Phạt tiền từ 150.000 đến 250.000 đồng.
Đối với người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo: Phạt tiền từ 150.000 đến 250.000 đồng.
Trường hợp cố tình dừng đỗ xe ở khu vực vạch mắt võng gây ùn tắc giao thông, người điều khiển ô tô có thể bị phạt từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
Trường hợp được đè vạch mà không bị xử phạt
Trong một số tình huống đặc biệt, ô tô được phép cán vạch xương cá mà không bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Đó là khi xảy ra ùn tắc hoặc các tình huống giao thông phức tạp, lực lượng chức năng có thể ra hiệu lệnh yêu cầu các phương tiện, bao gồm ô tô, đè lên vạch xương cá để giải tỏa giao thông. Điều này thường xảy ra tại các ngã tư đông đúc hoặc trong giờ cao điểm khi lượng xe tăng đột biến, nhằm đảm bảo lưu lượng xe được phân bổ hợp lý và tránh ùn tắc kéo dài.
Ngoài ra, nếu xe gặp sự cố như hỏng hóc, va chạm hoặc tài xế gặp vấn đề nguy hiểm cần dừng xe đột ngột, việc cán vạch là điều khó tránh khỏi. Pháp luật cho phép tài xế ưu tiên bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mình và người khác, vì vậy họ có thể tạm thời đè vạch để xử lý tình huống khẩn cấp mà không bị phạt.
Cuối cùng, ô tô có thể bị lệch làn và đè vạch xương cá do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu. Trong những trường hợp như mưa lớn, sương mù, hoặc đường trơn trượt, việc kiểm soát phương tiện trở nên khó khăn hơn. Nếu xe đè lên vạch xương cá do tình huống này, tài xế có thể không bị xử phạt nếu đã cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn và không cố ý vi phạm.
N. Huyền