Hơn nửa thế kỷ, di vật người lính đặc công về lại quê nhà
Chiều 24/7, tại hội trường Đảng ủy xã Đan Hải (tỉnh Hà Tĩnh), Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức chương trình trao di vật, tài liệu lịch sử của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Dần cho thân nhân gia đình liệt sĩ.
Tham dự buổi lễ có đại diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo cựu TNXP và đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Toàn cảnh chương trình.
Phát biểu tại chương trình, chị Nguyễn Ny Hương - Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh xúc động chia sẻ: “Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý báu, được tìm lại sau hơn 50 năm, lần đầu tiên được khai thác và công bố. Những kỷ vật này là minh chứng sống động cho cuộc đời chiến đấu, hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Dần, người con kiên cường của quê hương Hà Tĩnh”.
Chị Nguyễn Ny Hương - Bí thư Tỉnh Đoàn phát biểu tại chương trình.
Theo chị Nguyễn Ny Hương, các tài liệu liên quan đến liệt sĩ Trần Văn Dần bị phía Mỹ thu giữ vào ngày 30/01/1970 tại tỉnh Phước Tuy (nay thuộc địa phận TP. Hồ Chí Minh), khu vực từng là chiến trường ác liệt nơi đặc công Rừng Sác hoạt động. Những tài liệu này sau đó được đưa về Hoa Kỳ, lưu trữ dưới dạng phim tại Trường Đại học Công nghệ Texas và mới đây được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tiếp nhận, phục dựng và chuyển giao cho gia đình liệt sĩ qua chương trình mang tên "Tìm lại ký ức".
Ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam là người hỗ trợ, phối hợp tìm ra những tư liệu quý để phục dựng các tài liệu lịch sử của liệt sĩ để trao lại gia đình thân nhân liệt sĩ.
“Các tài liệu lịch sử của Liệt sĩ Trần Văn Dần trong ấn phẩm mang chủ đề “Tìm lại Ký ức” là những mảnh ghép từ quá khứ để tái hiện một phần lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Từ đó khắc họa rõ nét hơn về Anh hùng lực lượng Vũ trang Trần Văn Dần với khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, lòng yêu nước cháy bỏng. Đây cũng chính là tài liệu có ý nghĩa giáo dục sâu sắc mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trong thời gian tới sẽ triển khai sâu rộng trong các cơ sở Đoàn, Hội, Đội toàn tỉnh gắn với các đợt sinh hoạt chính trị, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tỉnh nhà”, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh chia sẻ.
Anh trai liệt sĩ Trần Văn Dần chia sẻ cảm xúc tại chương trình.
Nhận lại những “mảnh ký ức” thiêng liêng sau hơn nửa thế kỷ, ông Trần Thanh Tân - anh trai liệt sĩ Trần Văn Dần nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình tôi vô cùng xúc động và biết ơn những tổ chức, cá nhân đã dày công lưu giữ, phục dựng từng tấm ảnh, trang giấy, từng kỷ vật của em tôi. Em trai Trần Văn Dần lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi và lần vào chiến trường năm ấy, em đi mãi không về. Suốt gần 60 năm qua, gia đình không có những kỷ vật hay tài liệu gì về em. Hôm nay, được nhìn lại những ký ức của em qua di vật và hình ảnh phục dựng, chúng tôi như được gặp lại em trai mình một người lính anh hùng đã hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc".
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Trọng Hải cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao lại di vật, tài liệu lịch sử về liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Dần.
Đại diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III trao lại di vật của liệt sĩ cho gia đình...
Nhân dịp này, ban tổ chức cũng trao 10 suất quà cho các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đan Hải.
Người chiến sĩ quả cảm của Rừng Sác
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Dần sinh năm 1948 tại thôn Phổ Hợp, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (nay là xã Đan Hải, tỉnh Hà Tĩnh). Mồ côi cha từ khi mới 6 tuổi, tuổi thơ của anh là những tháng ngày lam lũ cùng người mẹ tần tảo nuôi con giữa cảnh nghèo khó. Dù vóc dáng gầy gò, ít nói, nhưng trong cậu bé Trần Văn Dần sớm cháy lên tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến.
Tháng 7/1965, khi vừa tròn 17 tuổi, Trần Văn Dần tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào lực lượng đặc công nước, đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của quân đội nhân dân Việt Nam, chuyên thực hiện các trận đánh đột kích đường thủy. Sau 8 tháng huấn luyện ở miền Bắc, anh cùng đồng đội hành quân vào chiến trường Nam Bộ, trực tiếp tham gia chiến đấu tại khu vực Rừng Sác.
Tại đây, anh được biên chế về Đội 5, Đoàn 10, lực lượng đặc công Rừng Sác vang danh trong kháng chiến. Từ đầu năm 1967 đến tháng 4/1969, Trần Văn Dần tham gia 13 trận đánh lớn nhỏ, góp phần đánh chìm và đánh trọng thương nhiều tàu vận tải quân sự của Mỹ - Ngụy. Trong đó có 3 tàu trọng tải từ 10.000 - 13.000 tấn, phá hủy 2 bồn xăng lớn, diệt cả trung đội bộ binh địch.
Những tư liệu, hình ảnh được phục dựng.
Với chiến công hiển hách, anh được thăng chức tiểu đội trưởng, được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 10 bằng khen, 12 giấy khen, 8 huy hiệu Dũng sĩ đánh giao thông và 2 huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng.
Đêm 10/10/1969, Trần Văn Dần cùng đồng đội Nguyễn Chất Xê nhận nhiệm vụ đánh vào cảng Nhà Bè. Đó cũng là trận đánh táo bạo và được đánh giá là thành công nhất của Đoàn 10 trong chiến dịch đặc công nước.
Trong điều kiện nước ngược, hai chiến sĩ đặc công lặng lẽ vượt qua chốt gác, luồn mình dưới làn nước chỉ cách địch 1 mét, bí mật tiếp cận mục tiêu trong thời gian gấp rút. Khi vừa gắn xong khối thuốc nổ 100kg vào một tàu lớn, một tàu hàng khác bất ngờ tiến vào. Nhận định đây là mục tiêu quan trọng hơn, hai người hội ý nhanh rồi quyết định chuyển hướng tấn công.
Ấn phẩm mang chủ đề “Tìm lại Ký ức” là những mảnh ghép từ quá khứ để tái hiện một phần lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Anh Trần Văn Dần đích thân tháo dây ngòi nổ, giữ cho thuốc không phát nổ sớm, rồi một tay ôm thuốc, một tay giữ ngòi, hai chân bơi đứng tiếp cận tàu mới. Ít phút sau, tiếng nổ vang trời, chiếc tàu 10.000 tấn bị đánh chìm, gây thiệt hại lớn cho địch. Anh cùng đồng đội an toàn rút khỏi trận địa. Đó cũng là trận đánh cuối cùng của Trần Văn Dần. Không lâu sau, anh hy sinh trong một trận đánh khác ở chiến trường Rừng Sác, khi vừa tròn 23 tuổi.
Hơn 50 năm đã trôi qua, người chiến sĩ trẻ Trần Văn Dần giờ chỉ còn lại trong ký ức của gia đình, đồng đội và những dòng sử ghi chép giản dị. Nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm và phẩm chất anh hùng của anh sẽ mãi là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ thanh niên hôm nay.
Hoài Nam