Đi xa hay đi nhanh?

Đi xa hay đi nhanh?
4 giờ trướcBài gốc
Được chú ý nhất có lẽ là câu chuyện của Lộc Trời với những lời gan ruột của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty về việc bị “nội gián vào sâu bên trong”.
Từng là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh An Giang, với lợi nhuận lên tới hơn 400 tỷ đồng/năm, giờ đây Lộc Trời bên bờ vực phá sản, doanh nghiệp có công văn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận gây thất thoát tài sản và có hành vi gian dối.
Ông Nguyễn Duy Thuận được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Lộc Trời từ tháng 5/2020. Ông Thuận sinh năm 1970, có trình độ thạc sĩ quản trị chiến lược, trước đó từng làm việc tại VinaCapital.
Những chính sách quản trị nội bộ hay đường hướng kinh doanh sau đó của doanh nghiệp này không phải ai cũng tỏ tường, nhưng thấy rõ một điều, vài năm qua là quãng thời gian tuột dốc không phanh của thương hiệu lúa gạo này với những tin tức động trời. Chẳng hạn như 300 cán bộ nhân viên từng gắn bó với doanh nghiệp xin nghỉ việc, đối tác chiến lược Syngenta “chia tay” khiến mảng cốt lõi là phân phối thuốc bảo vệ thực vật chìm hẳn…
Cái giá phải trả cho sai lầm quản trị, nhân sự tại Lộc Trời là quá lớn. Nhìn rộng hơn, có không ít doanh nghiệp Việt Nam đang bên bờ nguy ngập, cũng do năng lực quản trị yếu kém, tham vọng đi nhanh, sử dụng đòn bẩy vượt quá sức mình.
Những cú sốc điển hình như vậy tại các doanh nghiệp một lần nữa cho thấy khiến các yếu tố Môi trường –Xã hội – Quản trị (ESG) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những doanh nghiệp có nội lực tốt thường thực hiện các khía cạnh ESG tốt, dựa trên 5 trụ cột chính: lãnh đạo làm gương; Dịch vụ sản phẩm ưu việt, có trách nhiệm xã hội; Khung tạo dựng giá trị khác biệt; có năng lực củng cố nền tảng; Gia tăng giá trị cốt lõi.
Doanh nghiệp mạnh phải gắn với năng lực để tạo được 5 yếu tố trên. Các quỹ đầu tư khi bỏ vốn vào doanh nghiệp thường có bộ chấm ESG riêng của mình, trong đó yếu tố G thường được họ quan tâm hàng đầu.
Trong câu chuyện của Lộc Trời, giá cổ phiếu LTG khi các nhà đầu tư nước ngoài mua vào ở giai đoạn doanh nghiệp đỉnh cao lên tới 80.000 đồng/CP, nay Lộc Trời rớt xuống dưới mệnh giá, nhiều ý kiến cho rằng còn có thể rớt tiếp. Đây cũng là bài học đắt giá về đầu tư khi chọn nhầm doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có vấn đề về quản trị ở mức độ nghiêm trọng...
Nhìn đi cũng phải nhìn lại, có một câu chuyện mà hiện nay nhà đầu tư lo ngại là tình trạng tẩy xanh tài chính, tức là doanh nghiệp làm nhiều thứ trên giấy tờ, báo cáo thiếu thực tiễn, né tránh hay lờ đi không công bố những điều cần phải làm. Doanh nghiệp dán nhãn xanh thiếu trung thực sẽ không thể đi xa và sớm ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư.
Với một môi trường kinh doanh, đầu tư có nhiều thách thức như hiện nay, sự phát triển của doanh nghiệp đang đứng trước những câu hỏi lớn: tồn tại hay không tồn tại, đi đường dài hay “tranh thủ”… Bất ổn kinh tế toàn cầu, lĩnh vực ngành nghề hoạt động khó khăn hơn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu.
Song khó khăn cũng là lực đẩy buộc doanh nghiệp chuyển đổi tư duy, chuyển đổi hệ thống, cải thiện quản trị theo các xu hướng bền vững hơn. Câu chuyện phát triển bền vững cũng là chủ đề Tiêu điểm được Đầu tư Chứng khoán nêu ra trong tuần này để cùng bạn đọc bàn thảo nhân dịp tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân năm nay.
Người quan sát
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/di-xa-hay-di-nhanh-post355784.html