Theo đó, Đoàn đã đến viếng, thắp hương, dâng hoa và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam nằm trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
MỘT ĐỊA CHỈ VỀ NGUỒN
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (có tên gọi khác là R), đã đi vào lịch sử của biết bao thế hệ cha ông, là nơi lưu giữ những chiến tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động của nhiều lão thành cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có diện tích khoảng 70 ha, gồm 3 phân khu chính: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu Trung ương Cục miền Nam có 2 khu vực chính: Khu di tích đã phục hồi và Khu tưởng niệm.
Đoàn đến viếng, thắp hương các vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Khu di tích Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đặc biệt, trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam còn có Khu di tích Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 8-3-1961, giữa lúc cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Hội công bố Chương trình, Điều lệ; tuyên bố gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; kêu gọi toàn thể phụ nữ miền Nam gia nhập Hội, đoàn kết, thống nhất, cùng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội LNPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “5 tốt”: “Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, bình vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh tốt; Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt”. Những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong phong trào thi đua “5 tốt” đã được ghi nhận tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất tháng 3-1965.
Trong suốt quá trình hoạt động, Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu động viên, cổ vũ các tầng lớp phụ nữ miền Nam từ nông thôn đến thành thị vùng lên đấu tranh, cứu nước, cứu nhà. Dưới sự lãnh đạo của Hội, phụ nữ miền Nam luôn là lực lượng hùng hậu, tài trí thông minh, sáng tạo tuyệt vời, kiên trung vô hạn đối với cách mạng, xứng đáng với tấm Huân chương Thành đồng hạng Nhất và 8 “chữ vàng” mà Đảng, nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam trao tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Nhằm ghi dấu kỷ niệm địa điểm nơi cơ quan Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã từng hoạt động trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 2005, Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành xây dựng Bia kỷ niệm tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Suốt 20 năm qua, nơi đây đã trở thành địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống quan trọng để ôn lại lịch sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ riêng đối với phụ nữ cả nước, mà còn của cả nhân dân khu vực Nam bộ. Năm 2024, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và để đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục truyền thống, Khu di tích Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam được Hội LHPN Việt Nam chỉnh trang, tu bổ và tôn tạo.
Tại Khu di tích Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam có bia ghi danh 39 vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong đó có: Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam.
ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN
Tại bia ghi danh 39 vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam, mỗi thành viên trong Đoàn “Hành trình về “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam” của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã thắp hương tưởng niệm các vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những thành tích, chiến công của các vị vẫn còn sống mãi với thời gian.
Mỗi thành viên trong Đoàn đều không khỏi bồi hồi, xúc động về một thời kỳ cách mạng đầy gian khổ nhưng thật oai hùng của thế hệ đi trước. Từ sự mưu trí, dũng cảm, tận dụng yếu tố địa lý, địa hình của tự nhiên nên dù trong chiến tranh nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt nhưng Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh, tài thao lược của quân và dân Việt Nam.
Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức Đoàn “Hành trình về “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Cái Bè Đoàn Thị Thoa tự hào chia sẻ: “Về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cũng như viếng bia ghi danh các vị lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi, ai cũng cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn những đóng góp của những người yêu quê hương, đất nước. Họ sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục, đó là những tấm gương để thế hệ sau tiếp bước, noi theo.
Chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục khi tận mắt thấy nơi ăn, ở, những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên chiến trường miền Nam; càng hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Còn Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo Cao Thị Thanh Thảo bày tỏ sự quyết tâm: “Thế hệ trẻ chúng tôi đều tự dặn lòng, hứa với chính mình là phải hết lòng, hết sức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, yêu ngành, yêu nghề, xứng đáng là người đảng viên chân chính. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên biết và hiểu thêm về những truyền thống hào hùng của dân tộc, từ đó ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
“Hành trình về “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam” của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ của tỉnh cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn những đóng góp của ông cha ta đã sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và trở thành những tấm gương để thế hệ sau tiếp bước, noi theo. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên, phụ nữ về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào cho cán bộ, hội viên, phụ nữ ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
P. MAI