Điều này cũng mở ra một hướng đi mới cho đề tài phim chiến tranh, vốn bị định kiến chỉ làm để "cúng cụ" rồi cất kho.
1. "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" lấy bối cảnh năm 1967 khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt. Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông (Củ Chi) được giao nhiệm vụ hỗ trợ Hai Thưng "bảo vệ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến". Nhưng, thực chất, nhiệm vụ của họ còn nặng nề hơn nhiều, đó là bảo vệ địa bàn an toàn để nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng truyền đi những tài liệu mật quan trọng bằng sóng vô tuyến. Các cuộc liên lạc bằng vô tuyến điện từ căn cứ bị quân đội Mỹ phát hiện và định vị.
Những gương mặt làm nên câu chuyện xúc động trong phim.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không theo lối đi thông thường của những bộ phim làm về chiến tranh, đó là chủ nghĩa anh hùng và những số phận người. Anh chọn góc nhìn hẹp, hướng ống kính vào những lát cắt mang tính cá nhân hơn, nơi đời sống của những người lính cách mạng trở thành sợi dây dẫn dắt cảm xúc.
Phim mở đầu bằng đại cảnh mảnh đất Bình An Đông, Củ Chi bị tàn phá, những cánh rừng cháy trụi, những thi thể trôi giữa đám lục bình... Trong bối cảnh ấy, đội du kích 21 người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu "tìm và diệt" của quân Mỹ khi họ nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến căn cứ. Từ đây, Bảy Theo, Ba Hương, Tư Đạp cùng các chiến sĩ du kích phải đối diện với các cuộc càn quét địa đạo ngày càng khốc liệt, tinh vi hơn... Bộ phim đem đến cho người xem thêm lời giải cho ý nghĩa của cụm từ "Củ Chi - Đất thép anh hùng", đồng thời như lời hồi đáp cho câu hỏi: "Hòa bình có đẹp không?".
Nhưng, câu chuyện thu hút người xem đó chính là cuộc sống dưới địa đạo đã được tái tạo một cách chân thực. Đó là cuộc sống, chiến đấu của những người du kích, tình yêu, tình đồng đội, sự cao cả, thấp hèn, dục vọng... Tất cả đan xen, mang lại các trạng thái tình cảm khác nhau cho người xem từ vui, buồn, căm giận, đến sợ hãi, yêu thương, khâm phục, tự hào... Đội du kích của Bảy Theo không được huấn luyện, đào tạo bài bản về chiến lược, chiến đấu như quân đội. Họ cũng không được trang bị vũ khí, phải tự thu lượm vũ khí của địch, tái chế. Đó là một cuộc chiến không cân sức, một cuộc chiến sinh tồn giữa một bên là một nhóm du kích, có người còn chưa biết bắn súng và một bên là đội quân hùng mạnh nhất thế giới, được trang bị vũ khí tối tân.
Phía dưới bom đạn của kẻ thù, khán giả được thấy: những người lính cùng nhau thong thả xem phim, vui đùa hóm hỉnh dù chưa biết ngày mai ra sao, tình yêu được nảy nở giữa bão lửa, cái chết bất thình lình bởi chiến tranh, nỗi đau mất người thân bị kìm nén... Tất thảy tạo nên một bức tranh sinh động và bi tráng về đất thép Củ Chi.
Khác với nhiều bộ phim, "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" không có nhân vật chính, cũng không có hồ sơ nhân vật, không có thông tin về chân dung, hoàn cảnh đội du kích. Đây là chủ ý của biên kịch và đạo diễn bởi nhân vật chính nhất, trung tâm nhất chính là địa đạo. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lý giải: "Chiến tranh thật sự là như vậy: Thảm khốc và kinh khủng lắm. Làm phim trong thời bình là kể về sự thật, giúp thế hệ hôm nay nhìn rõ sự thật để thấu hiểu hơn hy sinh của cha ông". Anh muốn bộ phim tái hiện sự thật lịch sử một cách chân thực nhất, không chỉ là những hình ảnh hào hùng, mà còn là những khoảnh khắc sống còn đầy ám ảnh về sự sống - cái chết, về tình yêu Tổ quốc và nỗi sợ hãi đời thường. Nhưng, trên hết là tình yêu và tinh thần hy sinh vì Tổ quốc.
Lần đầu tiên, một bộ phim làm về đề tài chiến tranh nhận được rất nhiều lời khen của đồng nghiệp và khán giả. Đặc biệt, phim thu hút một lượng lớn khán giả trẻ đến rạp và ngay trong 2 ngày đầu, với những suất chiếu sớm, phim đã thu về 20 tỷ đồng - một tín hiệu vui về doanh thu của thể loại phim bị dán nhãn là kén người xem. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm chia sẻ "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" xuất sắc và xứng đáng với tầm vóc của một bộ phim chiến tranh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Sau khi xem 128 phút của bộ phim căng như dây đàn này, thấy đạo diễn và dàn diễn viên của phim xuất hiện sau buổi chiếu, tôi ước giá như phim này có một buổi premiere ở một liên hoan phim quốc tế lớn nào đó. Vì quả thực nó xứng đáng là một bộ phim ở tầm quốc tế.
Địa đạo Củ Chi thực sự lợi hại. Còn cuộc chiến tranh nhân dân hay còn gọi là chiến tranh du kích của người Việt Nam thì đã khiến lính Mỹ phải kinh hồn bạt vía. Trong phim có 2 cảnh về 2 nữ du kích đánh nhau hoặc tấn công lính Mỹ ở dưới địa đạo rất ấn tượng và đáng sợ vì cái chất "raw" của nó. Raw (thô mộc) cũng có thể là tính từ chính xác nhất để mô tả cuộc chiến tranh du kích trong lòng địa đạo được mô tả trong bộ phim này. Cảnh làm tình dưới bom đạn chiến tranh trong bộ phim thực sự rất raw mà vẫn rất thơ".
2. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, ông đã theo đuổi dự án này 11 năm, kể từ ngày làm một bộ phim ngắn 3D về địa đạo Củ Chi năm 2014. Phim được chuẩn bị trong 12 tháng và hoàn thành sau 12 tháng khởi quay. Phim được Bùi Thạc Chuyên ấp ủ kịch bản, sản xuất trong hơn 10 năm, được Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cùng nhân dân huyện Củ Chi hỗ trợ.
Một cảnh phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
"Tôi được gặp các bác, các chú là nhân chứng sống của Đất thép anh hùng, được nói chuyện phỏng vấn và ghi hình lại. Từ những câu chuyện của các cô, các chú, cả một giai đoạn lịch sử đã hiện lên trong đầu tôi. Tôi đã được chui xuống những đoạn hầm không dành cho du khách, tôi đã hiểu cách đào địa đạo như thế nào, cách vận hành của địa đạo và những điều thần kỳ đã được quân và dân Củ Chi tạo ra để nơi đây trở thành biểu tượng quan trọng nhất của CHIẾN TRANH NHÂN DÂN. Tôi bắt tay vào viết kịch bản điện ảnh và hoàn thành bản đầu tiên sau 2 năm (2016)", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.
Để xây dựng kịch bản phim, Bùi Thạc Chuyên đã cần mẫn góp nhặt những tư liệu từ chính các câu chuyện của những người lính từng vào sinh ra tử tại địa đạo Củ Chi. Phim cũng huy động nhiều vũ khí hạng nặng mà Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó để tái hiện chân thật, thuyết phục và lôi cuốn người xem. Ngoài ra, tác phẩm còn có sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp, Thái Lan, Mỹ cho các mảng âm nhạc, hiệu ứng khói lửa, hóa trang, dựng phim... Đáng chú ý, đoàn phim đã phải làm 250m hầm để mô phỏng địa đạo Củ Chi.
"Với tôi, địa đạo Củ Chi mới là “gương mặt chính” của phim, còn các nhân vật xung quanh đại diện con người ở vùng đất này. Họ đã anh hùng chiến đấu và lặng lẽ ngã xuống, nhiều người thậm chí không để lại dấu tích gì, chỉ có cái tên", anh cho biết.
Một bộ phim chân thực và xúc động về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Và, điều giá trị hơn là nó đang thu hút những khán giả trẻ đến rạp. Phim gần với phim tài liệu mà vẫn đậm chất tinh thần văn học của kịch bản. Có những nữ khán giả trẻ lau nước mắt. Một bộ phim kết thúc không có vỗ tay. Vẫn trang nghiêm, lặng lẽ và suy gẫm.
"Nhiều năm qua mới có một phim chiến tranh do Việt Nam làm mà đáng xem và đáng khen như vậy. 50 năm, ngậm ngùi, vẫn ngậm ngùi nên cần xem để ngấm", một khán giả chia sẻ.
Còn đạo diễn Đặng Thái Huyền mong muốn: "Trong khoảng 10 năm trở lại đây - cho đến thời điểm này - đây là bộ phim về Chiến tranh Việt Nam làm mình thật sự ấn tượng và xúc động. Mong "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" sẽ đại thắng phòng vé để cổ vũ các dự án phim chiến tranh cách mạng tiếp theo ra mắt".
Mỹ Trân