Cách thành phố Tam Kỳ 7 km, địa đạo Kỳ Anh được biết đến như một chiến hào trong lòng đất lớn thứ 3 của Việt Nam.
Tháng 5/1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược“chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ xua quân vào miền Nam, cùng với quân ngụy và chư hầu, chúng thực hiện chiến lược “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và bình định” mở rộng chiến dịch bắt bớ, càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng.
Kỳ Anh là một xã được giải phóng và có phong trào cách mạng hoạt động mạnh nên địch tổ chức hành quân càn quét dữ dội, thám sát, lùng ráp vây bắt nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân. Trước tình hình đó cùng với cả huyện, tỉnh; Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh quyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”.
Địa đạo Kỳ Anh được xây dựng từ năm 1965 và hoàn thành vào năm 1967 trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất ở chiến trường Quảng Nam.
Địa đạo Kỳ Anh khác với địa đạo Vịnh Mốc hay Củ Chi là ở chỗ được đào ở một vùng đất cát, do đó phải được đào xuyên qua tầng đất cứng, đất sét, đất như đá ong mới không bị sụt lở. Người dân đào địa đạo hoàn toàn bằng các công cụ thủ công và dùng sức người là chính như cuốc, xẻng, xà beng và dùng mủng, thúng để đem đất đổ đi nơi khác. Lực lượng đào địa đạo chính là bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân, thanh thiếu niên.
Với tổng chiều dài Địa đạo khoảng 32 km, chiều rộng từ 0,5- 0,8 mét, chiều cao khoảng 0,8-1mét, chiều dài các đoạn Địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn. Bên cạnh những thách thức về nguyên vật liệu thì trong quá trình xây dựng ngoài việc đối mặt với Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh còn phải gồng mình đương đầu với những trận càn ác liệt của địch.
Bà Huỳnh Thị Thuận, một người dân từng tham gia đào địa đạo Kỳ Anh kể lại: “Trong quá trình đào địa đạo, khó khăn lắm. Đào xuyên qua cát, đến đất đá ong rất cứng. Bà con mình phải đem xẻng, đem cuốc loại nhỏ (dân địa phương gọi là cuốc bùn), đào từng chút rồi kéo ra, lén đem đổ gốc tre hay ngụy trang để địch không biết. Dưới đất tối thui tối mò, toàn là thắp đèn bạch lạp để làm. Các bà các cô lớn tuổi rồi đi vào Tam Kỳ, Kỳ Lý mua đèn bạch lạp về ủng hộ cán bộ, bà con đào ngày đào đêm, kiên trì lắm”.
Bà Huỳnh Thị Thuận, một người dân từng tham gia đào địa đạo Kỳ Anh
Địa đạo có hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã. Dụng cụ đào được người dân sử dụng hầu hết đều gắn liền với cuộc sống như cuốc, xẻng ngắn cán, xà beng và mủng, thúng, trạt để đem đất đổ đi nơi khác. Vì là nơi gần sát với tai mắt địch nên việc tiến hành vào ban đêm và bí mật, khẩn trương. Đất đào dưới hầm được đem đắp vào những hầm trú ẩn bom đạn của dân, nền nhà mới, đắp bờ ruộng hoặc đổ ra sông đầm tránh sự phát hiện của địch.
Địa đạo được đào xuyên qua tầng đất cát, xuống phần đá ong
Miệng hầm nằm trong nhà dân, gian bếp, chuồng bò, đình, bụi tre, giếng nước, gốc cây và được ngụy trang cẩn thận.
Trong quá trình đào hầm, đầu năm 1966, địa đạo mới hình thành chưa nối tiếp liên hoàn. Khi địch càn vào làng do bị lộ miệng hầm tại vườn nhà ông Khanh, địch kêu gọi đầu hàng nhưng cán bộ, quân dân chống trả kiên cường, quyết liệt, địch dã man bơm chất độc vào hầm làm 11 cán bộ, quân dân anh dũng hy sinh.
Phòng họp dưới địa đạo Kỳ Anh
Nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã
Bà Trần Thị Lan ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ bảo giữ bí mật là điều mà người dân nào ở đây cũng phải tuân thủ, một lòng một dạ không khai báo hay để lộ ra: “Nếu người nào mà tin tưởng thì mới cho người ấy biết, còn cá nhân nào mà có vẻ không tin tưởng thì phải giấu. Biết là họ qua họ báo là địch thả bom, bắt dân đi đào địa đạo đó lên, giết bộ đội mình nên bà con một lòng một dạ tuân thủ”.
Địa đạo trở thành nơi giúp quân dân Kỳ Anh kiên cường bám trụ, bảo tồn lực lượng, tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ và giữ vững địa bàn.
Một nét độc đáo của địa đạo Kỳ Anh là đường hầm chạy ngang qua đình Thạch Tân – ngôi đình thiêng vừa là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, vừa là căn cứ cách mạng. Đình Thạch Tân, thôn Thạch Tân là một ngôi đình cổ, gắn liền với việc khai canh, khai cơ của các bậc tiền nhân. Lợi dụng việc đình Thạch Tân là nơi thiêng liêng của làng và cây cối rậm rạp, ít người chú ý, ta dùng làm nơi hội họp, trao đổi tin tức. Không chỉ là căn cứ cách mạng kiên cố mà đình Thạch Tân còn là biểu tượng cho sự kiên cường, ý chí bất khuất tàng ẩn của người dân Kỳ Anh.
Đình Thạch Tân
Bây giờ, những cây cột đình vẫn còn in dấu vết đạn bom và dây xích như chứng nhân lịch sử về thời kì hào hung của người dân Kỳ Anh.
Tính độc đáo, sáng tạo ở công trình dưới lòng đất này còn thể hiện ở chỗ: Quanh làng nhân dân trồng tre dày đặc kết hợp một trận địa chông, mìn trong khu vực chiến đấu và một hệ thống kênh mương dẫn nước quanh làng, tạo thành một trận địa làng chiến đấu khá kín cho việc ẩn nấp và đánh địch.
Ông Huỳnh Kim Ta, Hướng dẫn viên du lịch Di tích Địa đạo Kỳ Anh làm công việc này đã lâu. Ông tự hào giới thiệu với du khách về công trình dưới lòng đất của quê hương mình: “Trong chiến tranh, đặc biệt là vùng Kỳ Anh người dân một lòng hướng về cách mạng cho nên một lòng đoàn kết, giữ bí mật, địch có đánh chết cũng không để lộ. Ở Củ Chi hay Vịnh Mốc địa đạo xây dựng gần bờ sông bờ biển, chứ địa đạo Kỳ Anh này xây dựng ngay ở dưới khu dân cư càng khó. Sự bí mật và sự đoàn kết một lòng của người dân là điều quyết định cho việc hình thành nên hệ thống địa đạo Kỳ Anh như bây giơ. Rất không ngoa khi nói rằng địa đạo Kỳ Anh là công trình kiến trúc trong lòng đất mà cũng là địa đạo trong lòng dân”.
Ông Huỳnh Kim Ta, hướng dẫn viên du lịch
Nhiều đoàn học sinh khắp nơi về tham quan địa đạo Kỳ Anh
Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho một giai đoạn hào hùng của dân tộc nói chung và của quân và dân xứ Quảng nói riêng. Bên cạnh đó nơi đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha ông ta và còn là nơi thu hút khách du lịch đến tìm hiểu và tri ân
Anh Lê Phước Thọ, du khách tham quan địa đạo Kỳ Anh cảm nhận: “Khi mà cả gia đình chúng tôi xuống địa đạo thì mới cảm nhận được cái sự đóng góp cái công sức to lớn của thế hệ cha anh mà nhất là người dân Kỳ Anh đã để lại cho cái nền độc lập ngày hôm nay. Qua chuyến đi này tôi rất là mừng, các cháu rất là vui và bản thân tôi cũng thấy là mình đã đóng góp vào sự giáo dục của giới trẻ, giáo dục cái lớp con cháu về kiến thức lịch sử cũng như về cái sự hào hùng dân tộc của dân tộc ta”.
Năm 1994, xã Tam Thăng tự hào được nhà nước ta phong danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1997 địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Chỉ riêng thôn Thạch Tân nhỏ bé của Tam Thăng đã có hơn 90% người dân tham gia cách mạng, có 200 liệt sĩ, 18 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà nào cũng tham gia cách mạng,…
Địa đạo Kỳ Anh nói riêng, làng chiến đấu Kỳ Anh nói chung là một trong những biểu tượng tiêu biểu của thế trận chiến tranh nhân dân. Đây còn là nơi cho các thế hệ sau học hỏi về sự linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm và gan dạ của các thế hệ đi trước có quyền tự hào về những giá trị to lớn mà thế hệ đi trước để lại cho con cháu, là niềm tự hào của thế hệ mai sau.