Khán giả trẻ rủ nhau đến rạp xem phim Địa đạo.
Từ địa đạo Củ Chi đến trái tim người trẻ Thái Nguyên
“Địa đạo” không chỉ là một bộ phim về đề tài chiến tranh thông thường. Phim đưa khán giả trở về trận càn Cedar Falls năm 1967 - chiến dịch quân sự quy mô lớn của đế quốc Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong những năm tháng khốc liệt ấy, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và sự sáng tạo phi thường của quân dân ta hiện lên sống động qua hệ thống địa đạo chằng chịt được xây dựng dưới lòng đất.
Từ trái qua: Hồ Thu Anh - vai Ba Hương, Thái Hòa - vai Bảy Theo, nghệ sĩ Cao Minh - vai chú Sáu.
Với 128 phút dày đặc cảm xúc, bộ phim đã chạm đến trái tim người xem nhờ vào kịch bản sâu sắc, hình ảnh chân thực và diễn xuất ấn tượng. Sau 11 ngày công chiếu ( từu ngày 4 đến 14-4), "Địa đạo" lập kỷ lục trở thành phim lịch sử đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 130 tỷ đồng - một con số đầy thuyết phục trong bối cảnh phim thuần Việt thường lép vế trước các bom tấn quốc tế.
Tại Thái Nguyên, các rạp chiếu như CGV, Pixel Cinema, Beta Cineplex đều ghi nhận lượng vé bán ra tăng mạnh, đặc biệt vào cuối tuần. Không chỉ thu hút khán giả lớn tuổi, bộ phim còn tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong giới trẻ - những người đang tìm kiếm một cách tiếp cận mới, gần gũi hơn với lịch sử dân tộc.
Nhiều bạn trẻ đi xem phim nhiều lần. Nguyễn Khánh Chúc, sinh viên quê ở Thái Nguyên, chia sẻ: Mình đã 2 lần tới rạp tại Hà Nội và Thái Nguyên để xem "Địa đạo". Đây là lần đầu tiên một bộ phim lịch sử khiến mình xúc động và tự hào đến vậy. Từng phân cảnh đều toát lên cảm giác chân thật, hiện thực khốc liệt của chiến tranh. 128 phút, mình tin đã có nhiều khán giả thực sự cảm thấy như đang sống trong hầm và chiến đấu cùng anh chị du kích.
Chị Vũ Thị Ngân, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), xúc động nói: Sau 1 tuần xem "Địa đạo" mình vẫn còn cảm giác “ngộp thở”. Dù phim chỉ phản ánh được 1 lát cắt nhỏ, 1 phần ý chí, 1 phần khó khăn của thời chiến cũng khiến mình phải đặt nhiều câu hỏi “tại sao”…? Và cảm nhận sâu hơn cái giá của 2 tiếng: “Hòa bình”.
Diễn viên Quang Tuấn với tạo hình ấn tượng trong Địa đạo.
Trên mạng xã hội, hàng loạt dòng trạng thái như “Tự hào quá Việt Nam ơi!”, “Mỗi người trẻ nên xem ít nhất một lần” hay “Không ngờ Địa đạo lại kỳ diệu đến vậy” cho thấy hiệu ứng lan tỏa tích cực của bộ phim trong cộng đồng. Không còn khô khan, giáo điều, lịch sử trong "Địa đạo" sống động như nói với từng khán giả trẻ: “Đây là những gì cha ông đã trải qua để bạn được sống hôm nay”.
Tình yêu nước lan tỏa bằng nghệ thuật
Sự thành công của "Địa đạo" đã khơi lại niềm tin của khán giả vào dòng phim lịch sử - cách mạng, vốn từng bị đánh giá là khó tiếp cận, thiếu sức hút. Chị Nguyễn Thị Tuyến, giáo viên Trường Văn hóa (Cục Đào tạo, Bộ Công an), là một trong những khán giả đầu tiên của Thái Nguyên ra rạp xem suất chiếu sớm bộ phim đặc biệt này. Chị trải lòng: Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để học sinh hứng thú với lịch sử dân tộc. Những bộ phim như "Địa đạo" là cơ hội quý giá. Trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tôi dự định tổ chức cho học sinh đi xem như một hoạt động ngoại khóa.
Những phân cảnh khiến người xem như ngộp thở.
Không cần phô trương hay khẩu hiệu, bộ phim lặng lẽ khơi dậy tinh thần yêu nước qua từng câu thoại, ánh nhìn, nhịp tim và tiếng thở trong lòng đất. Từ một câu chuyện chiến đấu, bộ phim mở ra không gian ký ức sâu thẳm, nơi người trẻ có thể soi mình, thấu hiểu và biết ơn.
"Địa đạo" mở ra một trường không gian mới - trong lòng đất, thời gian mới – những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, từ đó khơi dậy sự tò mò và thôi thúc khán giả, nhất là khán giả trẻ khám phá. Chính sự giao thoa giữa lòng yêu nước, ký ức dân tộc, cơn khát tìm hiểu và hiệu ứng bắt trend “tinh thần dân tộc” đã khiến rạp phim chật kín, từ những người lớn tuổi đến các bạn trẻ, Gen Z - lần đầu trải nghiệm, cảm nhận một bộ phim chiến tranh Việt Nam.
Cảnh trong phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, nhận định: Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân Thái Nguyên, đặc biệt là Gen Z, cho thấy nhu cầu thật sự về các sản phẩm văn hóa mang tinh thần dân tộc. Trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, giữ gìn bản sắc, kể lại lịch sử bằng điện ảnh là hướng đi vừa cần thiết, vừa cấp bách. Hy vọng sau những bộ phim như Đào, Phở và Piano hay Địa Đạo, điện ảnh Việt sẽ tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, được đầu tư chỉnh chu về kịch bản và kỹ thuật, để lịch sử dân tộc không chỉ nằm trên những trang sách khô khan mà là những trải nghiệm sống động giữa đời thường - nơi rạp chiếu, trong lòng người, và trong từng nhịp đập của trái tim yêu nước.
Hoài Anh